Cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu

18:36' - 24/09/2020
BNEWS Mặc dù việc kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã đạt một số kết quả, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách, vẫn tồn tại nhiều bất cập từ trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra.

Tại buổi họp báo giới thiệu Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” diễn ra chiều 24/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, đề án nhằm cải cách thực chất hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn thì để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo bước đột phá trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành nhằm đổi mới căn bản, tạo bước đột phá trong kiểm tra chuyên ngành. Qua đó tạo thuận lợi đầu tư, thương mại, đảm bảo an ninh an toàn và lợi ích quốc gia, cũng như đảm bảo thực thi đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong các hiệp định song phương và đa phương.

Mặc dù việc kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã đạt một số kết quả, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách, vẫn tồn tại nhiều bất cập từ trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 31/12/2019 vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.

Đây là kết quả của việc cắt giảm danh mục hàng hóa chuyên ngành của các bộ, ngành, tuy nhiên với số lượng mặt hàng được cắt giảm là 12.600 trên tổng số 82.698 mặt hàng (số liệu quý 2/2015) là rất thấp, chỉ đạt 15,2%, chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ là phải cắt giảm được 50% hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành vào năm 2018-2019.

Đặc biệt, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp, hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trong những năm qua đã có xu hướng giảm dần từ khoảng 30% năm 2015 xuống còn 19,1% năm 2019; tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng qua các năm chỉ từ 0 - 0,03%.

Để tích cực hội nhập, các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường nội luật hóa các quy định quốc tế vào hệ thống pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện  thông quan nhanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo quy định của pháp luật hiện hành, để được thông quan hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về thông quan hàng hóa nhập khẩu quy định tại Luật Hải quan và các Luật chuyên ngành.

Theo đó, tùy từng trường hợp cụ thể, để thông quan hàng hóa, doanh nghiệp phải nộp/xuất trình cho cơ quan hải quan giấy phép hoặc giấy tờ về kết quả kiểm tra (kiểm dịch, chất lượng, an toàn thực phẩm, hợp chuẩn, hợp quy).

Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Hệ thống văn bản quy định về chuyên ngành khá đầy đủ, tạo được môi trường pháp lý cần thiết với chủ trương bảo đảm an toàn, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.

Do vậy, Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Theo mô hình Đề án, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan.

Cụ thể, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.

Đề án gồm 7 nội dung cải cách lớn, giao cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm kiểm tra chặt; kiểm tra thông thường; kiểm tra giảm.

Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra (chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu).

Ngoài ra, áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, với dự kiến bổ sung 18 nhóm đối tượng để giảm chi phí quản lý nhà nước và chi phí của doanh nghiệp. Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong Mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu đô la Mỹ) mỗi năm./.

>>Đề xuất mới về phí hải quan và lệ phí hàng hóa quá cảnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục