Cải cách thủ hành chính về đất đai: *Bài 1: Hiệu quả từ Chương trình tổng thể

08:42' - 24/08/2021
BNEWS Cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực như: Cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến thủ tục hành chính ngày càng được hoàn thiện, đơn giản hóa; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, tuy nhiên vẫn còn những bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết về “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai".

Bài 1: Hiệu quả từ thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường quán triệt và thực hiện nghiêm, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và có nhiều chuyển biến tích cực.

* Nhiều chuyển biến tích cực

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết: Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đến nay, 59/63 tỉnh, thành đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai và đi vào hoạt động.

Qua thời gian vận hành hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai thể hiện rõ hiệu quả như: Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, một số thủ tục hành chính đã được lồng ghép hoặc liên thông nên giảm thủ tục so với những nơi chưa thành lập (thủ tục hành chính về đất đai giảm từ 62 thủ tục xuống còn 41 thủ tục).

Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đúng quy định và giảm so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đạt 90-95% so với quy định. Tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn cơ bản chấm dứt. Tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở một số địa phương đã tăng đáng kể.

Các Văn phòng Đăng ký đất đai đã chủ động xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; giảm thiểu hồ sơ lưu trữ theo phân cấp như trước đây từ 3 bộ hồ sơ hiện xuống còn 1 bộ hồ sơ.

Bên cạnh đó, để tránh áp lực lên bộ máy hành chính Nhà nước, tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, phù hợp với xu thế quản lý đất đai hiện đại của các nước trên thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận khi người sử dụng đất thực hiện quyền do các Văn phòng Đăng ký đất đai, trong đó có các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở cấp huyện thực hiện trong trường hợp được Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền theo quy định.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Tổng cục Quản lý Đất đai đã tham gia cùng với các đơn vị để trình Bộ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP tại Quyết định số 109/QĐ-BTNMT ngày 20/1/2021.

Trên cơ sở đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục đã nghiên cứu sửa đổi các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, quản lý hành chính đất đai trong Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định chi tiết Luật Đất đai. Hiện, Tổng cục đang rà soát, hoàn thiện các thủ tục đã được bãi bỏ hoặc bổ sung để trình công bố theo quy định.

Bên cạnh đó, Tổng cục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, toàn bộ văn bản đi - đến được thực hiện xử lý, cập nhật hoàn toàn trên hệ thống hồ sơ công việc. Cụ thể, luân chuyển thông tin giữa Văn phòng đăng ký và cơ quan thuế chủ yếu là phương thức điện tử; áp dụng cơ chế liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai cho nhà đầu tư.

Đáng chú ý, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 09 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã hướng dẫn khi người dân đi làm sổ đỏ không cần nộp bản sao các giấy tờ tùy thân như: Chứng minh thư, căn cước, sổ hộ khẩu mà sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quy định mới này phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân không cần mang theo nhiều loại giấy tờ.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhiều địa phương cho thấy vẫn còn một số tồn tại.

Cụ thể, sự phối hợp giữa Văn phòng Đăng ký đất đai với các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai còn chậm, chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả chưa cao dẫn đến vẫn còn hồ sơ quá hạn, còn tình trạng tổ chức, cá nhân đi lại nhiều lần. Việc lưu trữ, cung cấp mã số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp cấp lại, cấp đổi cho tổ chức, cá nhân khó khăn ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục hành chính…

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết thêm: Tài liệu hồ sơ lưu trữ được bàn giao cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố, thị xã không đầy đủ. Sổ địa chính, sổ cấp giấy nhiều quyển bị ố nhòe, rách nát, mất thông tin về thửa đất.

Một số Giấy chứng nhận không có bản lưu trong hồ sơ, thông tin về chủ sử dụng đất trước đây không đầy đủ… gây khó khăn cho việc giải quyết các hồ sơ đăng ký biến động đất đai. Mặt khác, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai hàng năm là rất lớn, trong khi đó nhân lực, vật lực của Văn phòng Đăng ký đất đai ở nhiều địa phương còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

* Bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan

Theo số liệu từ Tổng cục Quản lý đất đai, trung bình mỗi năm, cơ quan tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, huyện tiếp nhận và giải quyết hơn 4,5 triệu thủ tục hành chính.

Một số địa phương đã thực hiện dịch vụ công về đất đai thông qua Cổng dịch vụ công cấp tỉnh như: Đồng Nai, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Long An... kết nối tới Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Để tháo gỡ khó khăn cho các Văn phòng Đăng ký, Phó Tổng Cục trưởng Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết: Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai với nhiều nội dung mới so với quy định hiện hành.

Trong đó, quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Điều này đồng nghĩa với việc bổ sung thêm Chi nhánh Văn phòng đất đai để có thể giải quyết các vấn đề này.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định đối với trường hợp Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do UBND cấp tỉnh quy định…

Thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trong quá trình xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Tổng cục tiếp tục duy trì, triển khai sử dụng văn bản hồ sơ điện tử, chứng thực chữ ký số trong công tác hành chính; hoàn thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến.../.

Xem thêm:

>> Bài 2: Tháo gỡ vướng mắc - Tạo tin tưởng trong dân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục