Cải cách thủ tục hành chính về đất đai - Bài 2: Kết quả từ dịch vụ công trực tuyến

09:01' - 24/08/2021
BNEWS Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nhiều vướng mắc và tạo được tin tưởng trong dân.

Cùng với đó, việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc tổ chức, cá nhân phải đi lại nhiều lần, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… được các tỉnh triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tạo sự hài lòng đối với các tổ chức, cá nhân.

* Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng như: Hà Nam, Nam Ðịnh... thực hiện hiệu quả.

Điển hình tỉnh Hà Nam đã tích cực triển khai và tuyên truyền Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nâng cao uy tín ngành.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã thực hiện lộ trình cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với lĩnh vực đất đai, đồng thời, tiến hành triển khai dịch vụ bưu chính công ích đối với yêu cầu trả kết quả liên quan đến đất đai.

Với dịch vụ này, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được trả đến tận nhà qua đường bưu điện, thông qua sự phối hợp của bộ phận một cửa và nhân viên bưu điện dựa trên yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Hảo cho biết: Từ tháng 7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp cùng với Chi cục Thuế Chi nhánh Phủ Lý-Kim Bảng thực hiện thử nghiệm việc “Thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai và tạo lập tài khoản công dân” trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND về tích hợp, cung cấp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai và tạo lập tài khoản công dân.

Đây là bước đầu để công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của Sở nhận thức, làm quen, nắm rõ quy trình xử lý trên môi trường mạng và có thể hướng dẫn tạo tài khoản cho công dân trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để công dân thực hiện nghĩa vụ tài chính trực tuyến trên môi trường điện tử mà không cần phải trực tiếp đi nộp.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã thực hiện giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo 100% hồ sơ được trả trước và đúng hẹn, đa số các thủ tục hành chính về đất đai đều giảm thời gian giải quyết.

Nếu trước đây, thời gian đính chính cấp Quyền sử dụng đất bị sai là 15 ngày, nay giảm xuống còn 7 ngày; đối với thế chấp xác nhận bảo lãnh Quyền sử dụng đất từ 2 ngày xuống còn 1 ngày; đăng ký biến động hoặc tặng cho, thừa kế Quyền sử dụng đất từ 21 ngày xuống còn 12 ngày.

Để giảm ùn tắc hồ sơ cho Văn phòng Đăng ký đất đai, từ năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đã triển khai ủy quyền thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng hết thửa không đồng thời lồng ghép với các thủ tục khác theo quy trình mới tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai.

Tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, gửi nhận văn bản và giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đó, tổng số văn bản được gửi và nhận trên trục liên thông đạt trên 60%. Số hồ sơ được tiếp nhận qua Dịch vụ công mức độ 3, 4 ở cấp xã đạt 3,06%, cấp huyện đạt 8,87%, cấp tỉnh đạt 8,4%.

Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cho biết: Nam Định hiện là tỉnh thứ 3 có số lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia sau Bình Phước, Tây Ninh.

Qua theo dõi kết quả thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận do hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng hết thửa không đồng thời lồng ghép với các thủ tục khác theo quy trình mới cho thấy, tỷ lệ trả kết quả đúng và trước hẹn đạt 98,46%, số hồ sơ trả trễ hẹn chỉ còn hơn 1%.

* Từng bước tháo gỡ vướng mắc

Mặc dù, công tác cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai trong thời gian qua đã được Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung triển khai thực hiện và đã đạt những kết quả quan trọng.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn gặp phải những khó khăn ảnh hưởng đến kết quả chung.

Cụ thể, trụ sở làm việc của Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh rất chật hẹp chưa đảm bảo không gian làm việc; kho lưu trữ diện tích nhỏ, trong khi lượng hồ sơ ngày càng tăng.

Thành phần hồ sơ các thủ tục hành chính lĩnh vực vực đất đai đa phần có nhiều thuyết minh dày, bản vẽ khổ lớn rất khó khăn trong việc quét gửi hồ sơ trực tuyến khi hướng dẫn, vận động tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại thay thế cho những phương pháp xử lý thủ công là nhiệm vụ ưu tiên trong công cuộc cải cách hành chính nhưng việc tổ chức triển khai chưa thật sự đồng bộ, đầu tư kinh phí còn hạn chế, gây nhiều khó khăn cho ngành Tài nguyên và Môi trường khi áp dụng.

Nhằm khắc phục những vấn đề trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Hảo cho biết: Sở sẽ tiếp tục duy trì tổ chức họp báo định kỳ để tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự thống nhất trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng giải quyết công việc chuyên môn, đổi mới lề lối làm việc và thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của công chức, viên chức.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định Phạm Văn Sơn, bên cạnh tập trung hoàn thành việc bàn giao Chi nhánh Trung tâm Phát triển Quỹ đất cho các quận, huyện quản lý và sắp xếp, tinh gọn các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở sẽ chủ động rà soát, đối với những thủ tục rườm rà, phức tạp và sẽ kiến nghị sửa đổi, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi đến thực hiện các thủ tục hành chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục