Cải thiện môi trường kinh doanh phải gắn với tăng cường giám sát

21:50' - 25/03/2018
BNEWS Cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, cải thiện môi trường kinh doanh cần phải gắn chặt với tăng cường giám sát.
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mấy năm qua đã đem lại kết quả đáng ghi nhận.. Ảnh minh họa: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Văn Trung cho biết, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mấy năm qua đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những cải thiện nói trên về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, cải thiện môi trường kinh doanh cần phải gắn chặt với tăng cường giám sát.

Năm 2018, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, dự thảo Nghị quyết 19 năm 2018 đặt mục tiêu phải hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành; tỷ lệ hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành còn tối đa 10%; giảm 1/2 danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành…

Trước đó, ngay từ tháng 1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Điều này cho thấy một động thái rất quyết liệt của cả Chính phủ và các bộ, ngành.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, việc Chính phủ hành động một cách nhanh chóng và kịp thời như vậy sẽ làm tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với niềm tin ấy là sự tác động trực tiếp đến việc tạo ra một lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường hoặc doanh nghiệp cũ đang hoạt động mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác.

Để đạt được mục tiêu đề ra cũng như hạn chế sự chậm trễ trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cải cách thủ tục hành chính cần phải nhắm đến cả 2 đối tượng là doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Hiện, đã có những quy định khá rõ ràng để xử phạt các doanh nghiệp làm sai, nhưng chưa có những quy định rõ ràng để xử lý các công chức làm sai, tự tiện đưa ra những thủ tục hành chính không quy định, hoặc cố tình trì hoãn hay không thực hiện các quy định pháp luật để hành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm việc thực hiện của các tổ chức cá nhân, rất cần phải xây dựng những quy định hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ công chức rõ ràng, chi tiết, đặc biệt về vấn đề kỷ luật công vụ.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, yếu tố quyết định để đạt được kết quả đồng đều, toàn diện, đúng mục tiêu như yêu cầu Nghị quyết của Chính phủ là tất cả các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương đều phải “nóng”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc các bộ, ngành phải chuyển động mạnh mẽ hơn, “nóng” hơn trong thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, thì cần phải phối hợp chặt chẽ với việc kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các bộ, ngành. Việc các bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ không chỉ đơn giản là ra văn bản đúng thời hạn, mà nội dung văn bản phải giải quyết được vướng mắc của doanh nghiệp, người dân.

Sau 4 năm liên tiếp thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta liên tục được cải thiện. Cụ thể, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay. /.

Còn nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp về cải thiện môi trường kinh doanh
Còn nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp về cải thiện môi trường kinh doanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục