Cấm xe máy chạy xăng trên Vành đai 1 Hà Nội: Không chỉ giải bài toán môi trường

17:02' - 15/07/2025
BNEWS Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp, biện pháp để không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026.

Đây được coi là bước đi quyết liệt trong việc cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường. Việc làm thế nào để việc chuyển đổi phương tiện này không chỉ giải bài toán môi trường mà còn giải quyết vấn đề giao thông đô thị đang ùn tắc hiện nay.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Khoa Vận tải – Kinh tế (trường Đại học Giao thông Vận tải).

Phóng viên: Việc cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 Hà Nội từ ngày 1/7/2026 là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Với góc nhìn chuyên môn, ông đánh giá tính khả thi của giải pháp này như thế nào?

 

Ông Vũ Anh Tuấn: Việc cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 Hà Nội từ ngày 1/7/2026 thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các hội nghị về biến đổi khí hậu cũng như các hiệp định về cắt giảm khí thải.

Trong khi lĩnh vực giao thông là một trong các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn về phát thải trong toàn ngành kinh tế - xã hội của một quốc gia, những giải pháp về cắt giảm khí thải trong lĩnh vực giao thông nói chung, giao thông đô thị nói riêng là một trong những trọng tâm.

Song để đánh giá tính khả thi của các giải pháp này phải dựa trên các cơ sở khoa học, phân tích các yếu tố bao gồm cả kỹ thuật đến kinh tế, tác động xã hội..., trên cơ sở các phân tích đó để đưa ra một lộ trình phù hợp.

Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01 tháng 7 năm 2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3. Với lộ trình này, tôi nghĩ rằng còn có những khó khăn, thách thức nhất định cần giải quyết. 

Phóng viên: Xin ông làm rõ những khó khăn, thách thức trong việc chuyển đổi xe chạy xăng sang xe điện là gì?

Ông Vũ Anh Tuấn: Đầu tiên về mặt kỹ thuật đối với việc chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện là nguồn cung các điểm sạc điện ở đâu, chúng ta có thể đáp ứng được năng lực về nguồn cung này hay không. Hiện số lượng trạm sạc ở khu vực trung tâm ít, chủ yếu ở khu đô thị ngoài trung tâm và năng lực hiện hữu chỉ đáp ứng tỷ trọng rất thấp, dưới 10% tổng nhu cầu lượng xe lưu thông.

Tất nhiên, chúng ta có thể sạc thủ công tại nhà, tại các trạm sạc tích hợp trong khu đô thị trong giai đoạn đầu nhưng về lâu dài cần phải có tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định lắp đặt trạm sạc và giám sát, kiểm soát an toàn trạm sạc, an toàn sạc điện. Việc này yêu cầu phải có cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, chuyên trách thực hiện để đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân.

Mở rộng hơn nữa về phương tiện, liệu năng lực cung ứng, sản xuất xe điện của Việt Nam, của các doanh nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi phương tiện của người dân hay chưa. Hay việc chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện có thể tạo gánh nặng của người dân khi mà họ có thể vừa mua xe xăng năm trước thì năm sau chuyển đổi sang xe điện, họ sẽ phải giải quyết bài toán phương tiện như thế nào?

Phóng viên: Vậy, theo ông, làm thế nào để giải quyết vấn đề chuyển đổi phương tiện hiện nay?

Ông Vũ Anh Tuấn: Thực tế nhu cầu người dân chuyển từ xe máy chạy xăng sang xe điện là có nhưng việc rời bỏ xe máy không hề đơn giản bởi việc chuyển đổi phương tiện ngoài yếu tố an toàn hơn, thân thiện hơn với môi trường còn phải thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Vậy nên, chúng ta nên nhìn nhận việc chuyển đổi ở đây không chỉ là xe xăng hay điện mà là chuyển đổi lớn hơn, từ các phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng. Bản chất việc chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực bị cấm nhưng chưa giải quyết được tình trạng giao thông đô thị ùn tắc khi 90% ùn tắc giao thông đến từ phương tiện xe cá nhân.

Lúc này, bên cạnh chuyển đổi phương tiện để giải quyết vấn đề môi trường thì xây dựng một hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, hiện đại là điều tiên quyết. Làm thế nào để việc chuyển đổi phương tiện này không phải chỉ bài toán giao thông ở góc độ môi trường mà giải bài toán giao thông mang tính chất đồng bộ, giải quyết các vấn đề giao thông đô thị hiện nay.

Tất nhiên Hà Nội đang rất quyết liệt, nỗ lực để triển khai theo đề án toàn diện về đổi mới, xây dựng hệ thống giao thông công cộng. Điều này rất đáng ghi nhận nhưng cần lộ trình, thời gian để tuyên truyền, chuẩn bị và sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi, không chỉ chuyển từ xe chạy xăng sang xe điện mà còn chuyển từ phương tiện cá nhân sang vận tải công cộng.

Phóng viên: Để vừa giải bài toán chuyển đổi phương tiện của người dân vừa đáp ứng vấn đề cải thiện môi trường, ông cho rằng việc cần nhất lúc này là gì?

Ông Vũ Anh Tuấn: Khi chúng ta muốn thực hiện các chính sách mang lại kết quả cần phải tính toán kỹ quá trình thực thi. Theo đó, quá trình thực thi chính sách phải trải qua nhiều giai đoạn từ thí điểm, đánh giá, điều chỉnh, giám sát cho đến thực hiện như việc chuyển đổi phương tiện ra sao, hỗ trợ người dân như thế nào phải tính toán trước, xây dựng lộ trình trước khi thực thi chính sách.

Trong quá trình thực thi chính sách sẽ phát sinh những vấn đề mà chúng ta cần phải soi chiếu kinh nghiệm từ các nước có điều kiện đô thị tương đồng, xem xét bài học từ các quốc gia đã triển khai thành công để học hỏi và vận dụng vào điều kiện, đặc thù của mỗi địa phương.

Như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, để chuyển đổi phương tiện thì chắc chắn sẽ khác nhau cả về không gian, thời gian, lộ trình, chính sách.... Hiện Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai nghiên cứu về đề án cắt giảm khí thải trong lĩnh vực giao thông đô thị, trong đó nghiên cứu rất nhiều yếu tố để xây dựng một đề án có lộ trình phù hợp để đảm bảo tính khả thi cũng như là sự đồng thuận cao của xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục