Cần chế tài mạnh tay xử lý vi phạm trên thương mại điện tử

16:14' - 23/10/2024
BNEWS Thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở trong chính sách khiến các đối tượng lợi dụng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần chế tài mạnh tay đẩy lùi vấn nạn này trong thời gian tới.

Thương mại điện tử thời gian qua đã khẳng định vai trò và vị thế tiên phong của ngành trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn nhưng thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử dẫn đến tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng thương mại điện tử vẫn cần chế tài mạnh tay để xử lý vi phạm trên thương mại điện tử.

Bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số vì có quá trình phát triển lâu dài. Năm 2023 thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất rộng lớn, bởi thương mại điện tử đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

 

Hiện nay có khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến và hoạt động thương mại điện tử cứ lan tỏa như thế trong người dân, người tiêu dùng và có sức hút rất mạnh với doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh, mạnh và khá bình đẳng với doanh nghiệp có quy mô lớn trong môi trường điện tử.

Hơn nữa, rào cản gia nhập trong môi trường điện tử lại thấp hơn so với thị trường truyền thống, nhất là khi doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường toàn quốc, thậm chí là hướng ra thị trường nước ngoài, thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Thống kê của Amazon Global Selling, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 triệu USD/năm tăng vọt gần gấp 10 lần; trong đó, danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt gồm sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp...

Theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm này là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi việc bán hàng đa kênh, xuất khẩu trực tiếp ra thế giới một cách nhanh chóng và dễ dàng, với chi phí thấp.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử. Vì vậy, một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý… để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ, đa số các thương nhân tổ chức kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập điểm livestream chốt đơn hàng ở các tỉnh thành phố; giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát.

Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động. 

Một vụ điển hình, vào đầu tháng 10 vừa qua Đoàn kiểm tra của tổ Thương mại điện tử, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) đã có mặt tại Tòa nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất và tạm giữ trên 10.000 chai nước hoa.

Đáng nói, những chai nước hoa này với các nhãn hiệu như: True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu. Các sản phẩm này được bán chủ yếu bằng hình thức livestream trên nền tảng mạng xã hội, trong đó có tài khoản của TikToker Phan Thủy Tiên.

Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, ở lĩnh vực thương mại điện tử, trong 9 tháng qua, cả nước đã kiểm tra 2.207 vụ; phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; xử phạt vi phạm hành chính gần gần 35,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 29,4 tỷ đồng. Đáng chú ý là cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online.

Theo ông Trần Hữu Linh, các hành vi vi phạm chủ yếu là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Cùng đó, không hiển thị công khai cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng trên trang chủ website thương mại điện tử; không công bố trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website.

Do đó, thời gian tới, lực lượng sẽ tăng cường theo dõi, rà soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu công khai trên các nền tảng thương mại điện tử. Việc này góp phần mang lại niềm tin cho người dân và xã hội, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút sự quan tâm, tin tưởng của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM, đánh giá, thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh đã đặt ra yêu cầu làm sao Việt Nam có một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt để vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp, các bên tham gia. Đồng thời, đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo về về an ninh, quốc phòng, phù hợp với các hiệp định, hiệp ước mà Việt Nam đã ký kết với song phương, đa phương.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok tại Việt Nam cho rằng, các sàn thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công Thương đều có quy trình quản lý chặt chẽ đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn cũng như hàng hóa cho nên về cơ bản hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đều kiểm soát được.

Hơn nữa, người tiêu dùng khi phát hiện hàng hóa không đúng mô tả của người bán, hoặc có thể hàng nhái, hàng giả không đủ chất lượng có quyền khiếu nại, sàn thương mại điện tử sẽ có trách nhiệm đền bù cho khách hàng từ 100 - 200% giá trị sản phẩm, trong thời gian nhanh nhất. Sau đó sàn sẽ quay trở lại làm việc với người bán và có các hình thức phạt nặng người bán và những người liên quan (có thể là khâu trung gian như bên vận chuyển).

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan Thuế, Công an, quản lý thị trường kiểm tra, rà soát quản lý chặt hàng giả, hàng nhái để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong mua bán hàng hóa.

Nhằm tăng cường ngăn chặn chống hàng giả, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, bà Lê Hoàng Oanh- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định: Cục tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử. Cùng đó, nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Mặt khác, Cục sẽ tiến hành tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp, chủ sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định hàng hóa vi phạm. Đặc biệt, tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục