Cần có mức trần chung cho giá nhà ở xã hội

19:31' - 28/10/2024
BNEWS Dù có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, nhiều người mua nhà ở xã hội vẫn phải chờ đợi vì nguồn vốn từ Ngân hàng dẫn đến nghịch lý giữa cung cầu nhà ở và khả năng tiếp cận tài chính của người dân.

Sáng 28/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đây là vấn đề được cử tri tại tỉnh Bình Dương luôn quan tâm thời gian qua.

 

Cử tri Nguyễn Văn Vẹn (nguyên Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Bình Dương) cho biết, đây là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của người dân trên cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Không khí tại Kỳ họp thứ 8 đi sát vấn đề thực tế, các đại biểu cũng đưa ra những ý kiến trao đổi thẳng thắn. Ông Vẹn tâm đắc với ý kiến của Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) về việc thị trường bất động sản hư hư thực thực, khó định giá. “Bất động sản gần như đóng băng, có doanh nghiệp hạ giá bán còn 2/3 giá ban đầu nhưng vẫn ít người mua; chứng tỏ người dân không có nhu cầu cao với nhà ở cao cấp. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp thì rất cần nhưng lại không xây dựng để bán.”

Ông Vẹn cho rằng, giá cả nhà ở xã hội tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn khá chênh lệch. Một số dự án dưới 1 tỷ thì người dân khó tiếp cận và khó mua. Một số dự án lại có bán giá tương đương nhà ở thương mại từ 26 - 30 triệu/m2. Do đó, ông Vẹn hy vọng sẽ có mức trần chung cho giá nhà ở xã hội. Ngoài ra, người dân thường cập nhật những thông tin về vấn đề này qua báo chí. Trong khi đó, khi vào trang web của cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu về các dự án thì khá khó khăn, rối mắt.

Anh Nguyễn Văn Tú (cử tri tại Bình Dương) cho biết, anh rất quan tâm đến vấn đề này tại Kỳ họp Quốc hội. Bởi vì vừa qua anh đã đăng ký mua nhà ở xã hội. Hiện, Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động và công nhân. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vay vốn cho người mua nhà ở xã hội đang gặp rào cản lớn.

Dù có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, nhiều người mua nhà ở xã hội vẫn phải chờ đợi vì nguồn vốn từ Ngân hàng dẫn đến nghịch lý giữa cung cầu nhà ở và khả năng tiếp cận tài chính của người dân. Tốc độ giải ngân hiện tại vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của người mua nhà. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người lao động có nhu cầu mua nhà mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của tỉnh. 

Cử tri Lê Vũ Linh (Phó Giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản) cho biết, rất tâm đắc với ý kiến của Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ý kiến của đại biểu là nỗi khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp. Hiện nay, chủ đầu tư rất khó tiếp cận vốn vay có lãi suất ưu đãi khi thực hiện nhà ở xã hội, đa số vay theo lãi suất thương mại.

Ông Linh mong muốn có nhiều ngân hàng hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để chủ đầu tư có thể tiếp cận. Từ đó, giúp giảm giá thành dự án và giá căn hộ khi đến với người dân. Nhà nước có thể thành lập Quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với cơ chế quản lý phù hợp; có chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội như lời của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục