Cần giải pháp tăng tốc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

18:30' - 13/09/2023
BNEWS Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

 

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp với các bộ, cơ quan có liên quan để rà soát, bổ sung, giải trình về một số nội dung đề xuất của Chính phủ đối với Quốc hội liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như: cơ chế đặc thù trong lập, phê duyệt và giao kế hoạch thực hiện các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật, không phức tạp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó là thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương hằng năm; cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng, vốn hợp pháp khác; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đề nghị bộ phận soạn thảo tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu, rà soát đối với nội dung đã đề xuất tại Báo cáo 388/BC-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ để chuẩn bị nội dung làm việc của Chính phủ với Đoàn Giám sát của Quốc hội và hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn Giám sát, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Theo báo cáo sơ kết tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023: Tổng vốn nguồn ngân sách trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023 là 83.616,619 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư công 48.216,812 tỷ đồng (bằng 47,24% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Tính đến ngày 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023, khoảng 16.365,331 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch.

Theo đó, một số kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao); ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,61%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

 

 

 

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các khó khăn, hạn chế đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm của giai đoạn 2021-2023 là do việc hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện…

Không những thế, việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, rà soát mặt bằng pháp lý của một số cơ quan trung ương chưa được tiến hành đồng bộ ngay từ trước khi ban hành chính sách, quy định, dẫn đến còn có chính sách không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh…

Nhằm đầy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát của Ban chỉ đạo các cấp.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ từ trung ương tới địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đảm bảo cân đối nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nghiên cứu đổi mới cơ chế huy động vốn tín dụng chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực khác từ doanh nghiệp, các tổ chức, người dân, các đối tác nước ngoài; tăng cường lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu ngay từ quá trình phân bổ, sử dụng nguồn lực tại các địa phương.

Mặt khác, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện các chương trình tại các cấp để tổ chức có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ, cơ quan trung ương chủ động rà soát, phối hợp với các địa phương nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung đề xuất chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục