Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu về chuyển đổi số

21:27' - 13/07/2023
BNEWS Theo Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vươn lên vị trí số 1 với giá trị DTI là 0,8219, tăng 0,2093 so với năm trước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 (DTI 2022) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, trong các cơ quan cấp bộ và ngang bộ có dịch vụ công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vươn lên vị trí số 1 với giá trị DTI là 0,8219, tăng 0,2093 so với năm trước.

Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Xếp hạng tiếp sau Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức độ chuyển đổi là Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, đạt được kết quả trên là do bộ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc Chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nhiều giải pháp để triển khai các hoạt động về chuyển đổi số.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ.

Nhờ vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đạt được những kết quả quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của bộ, góp phần, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chuyển đổi số phục vụ hoạt động chuyên ngành của ngành kế hoạch và đầu tư, tập trung vào 4 nền tảng, đó là: chuyển đổi số trong quản lý đầu tư công; chuyển đổi số trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã; chuyển đổi số trong lựa chọn nhà thầu, mua sắm công; chuyển đổi số trong lĩnh vực thống kê.

Song song với đẩy mạnh kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, công tác chuyển đổi số trong nội bộ cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Theo đó, 100% văn bản trao đổi trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư được gửi điện tử có ký số, việc chỉ đạo điều hành của các đơn vị đều thực hiện qua hệ thống điện tử; 100% các hệ thống thông tin có các phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng.

Chia sẻ về công tác chuyển đổi số của bộ, Thứ trưởng Trần Duy Đông đưa ra 3 bài học kinh nghiệm; trong đó, yếu tố đầu tiên là triển khai các hoạt chuyển đổi số phải bám sát và chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên quản của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ trong thực hiện. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng xây dựng kế hoạch và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, trong đó xác định mục tiêu, giải pháp và kết quả đầu ra rõ ràng, cụ thể để thuận lợi trong việc giám sát, kiểm tra, đánh giá.

“Chuyển đổi số là công việc lớn, các nhiệm vụ đòi hỏi xử lý nhanh, kịp thời, thực hiện nhiều nhiệm vụ trong cùng một thời gian. Do đó, để hoạt động đi vào hiệu quả, thực chất cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cơ quan và sự chung tay vào cuộc của tất cả các đơn vị”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết, cần xây dựng, sử dụng các nền tảng số của bộ, ngành, ứng dụng công nghệ mới vào các lĩnh vực hoạt động (như trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo vào các nền tảng số) và tăng cường đào tạo, tập huấn, phổ biến về chuyển đổi số, kỹ năng số cho công chức, viên chức tại bộ.

Để thực hiện chuyển số ngày càng hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra một số kiến nghị như: Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế ưu đãi ngộ cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong cơ quan nhà nước.

Cùng với đó, Chính phủ cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm chuyên ngành thông tin và truyền thông để các cơ quan, đơn vị có cơ sở thực hiện; có hướng dẫn, yêu cầu kỹ thuật, tham chiếu cụ thể đối với các nền tảng số để các cơ quan có cơ sở triển khai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục