Cần làm gì để bảo mật thông tin người dùng trên mạng xã hội?

09:37' - 30/03/2018
BNEWS Quyền riêng tư là quyền con người cơ bản được Pháp luật Việt Nam ghi nhận. Tuy nhiên, với thời đại công nghệ số mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, quyền riêng tư của con người liệu còn là bí mật?

Thực tế, nhiều người thích mạng xã hội hơn bất cứ dịch vụ mạng khác bởi tính năng kết nối với bạn bè, người thân, đồng nghiệp thậm chí là những người xa lạ khắp thế giới một cách dễ dàng và miễn phí.

Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg gửi lời xin lỗi đến người sử dụngsau vụ việc lộ thông tin hơn 50 triệu người dùng. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ vài ngày trước, Facebook đã dính phải một cú "phốt" to bậc nhất từ trước đến nay, liên quan đến việc để lộ ra thông tin của hơn 50 triệu người dùng cho hãng Cambridge Analytica khai thác.

Vụ việc này đã khiến nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg mất hàng tỉ USD, kéo theo làn sóng người dùng tẩy chay bằng cách xóa vĩnh viễn tài khoản Facebook cá nhân của mình. Mark Zuckerberg cuối cùng đã lên tiếng nhận lỗi sau 5 ngày dậy sóng, và sự việc vẫn còn đang chờ đợi Facebook giải quyết.

Vụ Facebook để lộ thông tin người dùng là một cảnh báo về việc bảo mật thông tin trên mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung. Dù cho Facebook thật sự không tiếp tay cho các công ty nghiên cứu dữ liệu, việc giữ bí mật thông tin người dùng vẫn là một trách nhiệm lớn đối với một doanh nghiệp.

Ông Phan Trọng Khanh, Giám đốc Hạ Tầng và Thông tin Công ty Công nghệ Appota cho rằng, vụ việc của Facebook tuy không xảy ra ở Việt Nam nhưng đây là vấn đề của toàn bộ người dùng trên Facebook. Từ vụ việc này cũng dấy nên phong trào xoá Facebook với hashtag #deletefacebook và được rất nhiều người ủng hộ. Nhưng theo ông Khanh, việc xoá Facebook là khó và không thể xử lý được vấn đề.

Song song với việc lộ thông tin này, nhiều người sau khi tải dữ liệu của họ trên Facebook xuống máy tính, đã phát hiện ra nhiều thông tin nhạy cảm như danh bạ, lịch sử cuộc gọi, nhắn tin. Trong khi đó, họ hoàn toàn không nhận thức được việc thu thập thông tin này.

Đối với vấn đề này, ông Phan Trọng Khanh cho biết, cần phải làm rõ về vấn đề cung cấp thông tin. Hầu hết các chức năng của mạng xã hội đều cần tới thông tin của người dùng. Chẳng hạn, việc truy cập danh bạ sẽ giúp ứng dụng kết nối bạn bè với nhau dễ dàng hơn.

"Vì vậy không thể giấu toàn bộ thông tin trên mạng xã hội, thay vì đó chúng ta có thể giúp người dùng hiểu rõ hơn về việc cung cấp thông tin này sẽ có lợi ích gì và hậu quả là gì. Nói cách khác chúng ta cần giúp người sử dụng hiểu về vấn đề an toàn thông tin, hiểu về mạng xã hội trước khi sử dụng", ông Khanh nói.

“Ví dụ như ứng dụng Facebook trên điện thoại, khi xin quyền sử dụng danh bạ và lịch sử cuộc gọi, đa số người dùng phổ thông đều đồng ý ngay mà không suy nghĩ gì. Trong khi đó, việc này giúp Facebook có thể biết được các mối quan hệ của người dùng ngoài mạng xã hội”. Giám đốc Hạ tầng và Thông tin của Appota nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng, Chuyên gia Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho hay điều quan trọng nhất để người dùng mạng xã hội có thể tự bảo vệ mình xuất phát từ nhận thức và ý thức.

Trong thời đại hiện nay, điện thoại thông minh với Internet đang ngày càng phát triển nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, chính phủ và truyền thông cần phải giáo dục, cần có những chiến lược về phổ cập internet trong nhà trường và đại chúng.

Ông Nathaniel Jurist Gleicher, Giám đốc Chính sách An ninh mạng của Facebook cho hay, an ninh mạng liên quan đến nhiều chủ thể, liên quan đến tất cả những người tham gia vào môi trường Internet, cộng đồng, đến tất cả các chủ thể tham gia.

Chính phủ cần có một chính sách để đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Trong đó, chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra công cụ để bảo vệ người dùng trong cộng đồng. Để tạo ra một chính sách an ninh mạng hiệu quả cần dựa trên 4 yếu tố là rõ ràng, linh hoạt, nhất quán và tính hợp tác. Đây là 4 yếu tố cốt lõi không thể đứng riêng mà chỉ có thể phối hợp.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phan Trọng Khanh cho hay Việt Nam cần có một chính sách để các mạng xã hội có ý thức hơn trong việc bảo vệ thông tin người dùng. Chẳng hạn, mạng xã hội không được gửi thông tin cho bên thứ 3, không được thu thập thông tin mà không được phép của người dùng, phải có chính sách và giải thích rõ ràng từng thông tin được dùng làm gì và sẽ có những chính sách pháp lý đi kèm nếu vi phạm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục