Cần lên tiếng trước hành vi xâm hại tình dục trẻ em

19:03' - 14/03/2017
BNEWS Trước tình trạng xâm hại trẻ em như hiện nay, trong đó, ba vụ việc xảy ra liên tiếp vừa qua liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, chúng ta cần lên trước hành vi trái đạo đức này.

Chiều 14/3, tại Hà Nội, Liên minh Truyền thông và Quyền của nhóm dễ bị tổn thương (RiM), Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) và Nhóm Quản trị Quyền trẻ em Việt Nam (CRG) đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em – im lặng hay lên tiếng” nhằm đưa tiếng nói của các tổ chức xã hội trước nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia về pháp luật hình sự, chuyên gia tâm lý và đại diện các tổ chức bảo vệ trẻ em đã cùng trao đổi, thảo luận nhằm thúc đẩy vai trò của các bên liên quan trong công tác thực thi quyền trẻ em cũng như giám sát thực thi các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết để đảm bảo việc bảo vệ quyền trẻ em nói riêng và quyền con người nói chung.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an, mỗi năm trung bình có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục thì 65% nạn nhân là trẻ em, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15.

Số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại cũng là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Thời gian gần đây, truyền thông và xã hội cũng phản ánh nhiều về tình trạng xâm hại trẻ em, trong đó, ba vụ việc xảy ra liên tiếp vừa qua liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu đã gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội.

Các chuyên gia đã phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, nguyên nhân sâu xa là do ảnh hưởng của nền văn hóa phương Đông từ bao đời nay của người Việt khiến cho gia đình, cộng đồng, xã hội đều ngại đề cập đến các vấn đề tình dục, hiếp dâm, xâm hại trẻ em.

Thực tế cho thấy, khi các trường hợp này xảy ra, phản ứng và hành động của gia đình, các cơ quan tư pháp, hành pháp, các tổ chức xã hội chưa được kịp thời và hiệu quả, dẫn tới thiếu các hoạt động can thiệp phù hợp. Sự chậm trễ này đã tạo nên hậu quả to lớn về tâm lý, sức khỏe cho gia đình nạn nhân cũng như ảnh hưởng lâu dài cho xã hội.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn tiếp diễn và kẻ phạm tội vẫn chưa bị xử lý nếu như chúng ta vẫn chọn im lặng thay vì lên tiếng. Do đó, bản thân gia đình nạn nhân cũng như cộng đồng cần phải lên tiếng, kiên quyết đi đến cùng sự thật để tạo ra môi trường an toàn, trong sạch, lành mạnh cho trẻ em./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục