Cân nhắc tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP đường bộ

15:20' - 09/11/2023
BNEWS Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước là vấn đề cần cân nhắc. Qua tính toán cho thấy, mức 70 - 75% là hợp lý.
Sáng 9/11, thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư.

 
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là tỷ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Trong dự thảo, Chính phủ đề nghị tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, tức là tăng 20% so với quy định.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận định, lĩnh vực giao thông đường bộ là một trong những lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công rất lớn, chiếm tỷ lệ vốn cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đầu tư những công trình, dự án trọng điểm của ngành Giao thông vận tải, trong đó đã hoàn thành nhiều tuyến đường bộ cao tốc, từng bước hình thành mạng lưới giao thông đường bộ kết nối thuận lợi với các tuyến đường cao tốc và tỉnh lộ.

Theo đại biểu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định tỷ lệ vốn của Nhà nước không quá 50% tổng mức vốn đầu tư của dự án, dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án đầu tư theo hình thức này. Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị việc hợp tác đầu tư công tư cần cân nhắc tỷ lệ vốn góp, trình tự thủ tục đầu tư, tránh việc kéo dài dự án.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lại Văn Hoàn (Thái Bình) nhận định, một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược có tổng mức đầu tư rất lớn, gồm nhiều hợp phần khác nhau, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng đồng thời với kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP. Do đó, nguồn lực Nhà nước sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế - xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh - quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính…, cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực Nhà nước cao hơn.

Đại biểu dẫn chứng thực tế khi triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Dự án này được thực hiện trước khi Luật PPP ban hành, chưa có các quy định pháp luật ràng buộc về tỷ lệ phần vốn của Nhà nước tham gia dự án. Quá trình thực hiện dự án bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan như COVID-19, xung đột, khan hiếm nguyên vật liệu, giá cả tăng cao, chi phí nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn... dẫn đến chi phí tăng cao, chủ yếu tăng vào phần khối lượng do vốn Nhà nước đảm nhận, lên đến 80% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Như vậy, nếu theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tăng phần vốn Nhà nước lên 70% thì không tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình. "Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội mà ngay từ khi thảo luận dự thảo đã thấy rõ không khả thi để tổ chức thực hiện thì cần phải cân nhắc, thận trọng", đại biểu chỉ rõ.

Từ những phân tích trên, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án đề xuất theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư. Riêng đối với dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình đề nghị chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn Nhà nước 80% tổng mức đầu tư của dự án, hoặc cho phép tiếp tục tăng phần vốn Nhà nước so với chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cũng kiến nghị nâng tỷ lệ lên 80% vì đây là phần vốn Nhà nước có thể tham gia và tạo dư địa cho địa phương đàm phán với các nhà đầu tư. Mỗi địa phương tùy hoàn cảnh có phương án riêng và tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép.

Giải trình, làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề khó và nhạy cảm. Trước đây không quy định tỷ lệ, sau này có Luật PPP đưa ra tỷ lệ 50%. Dù thời điểm đó, việc đưa ra tỷ lệ này có căn cứ rõ ràng, nhưng đến nay nhận thấy quy định này không còn phù hợp.

Bộ trưởng dẫn chứng, với các dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao thì nhà đầu tư không quan tâm, hay các dự án đi qua các đô thị thì chi phí giải phóng mặt bằng là rất lớn… Do đó, cần thiết nâng tỷ lệ vốn Nhà nước với yêu cầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, bảo đảm tính khả thi.

Bởi, nếu tỷ lệ thấp thì không thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước là vấn đề cần cân nhắc. Qua tính toán cho thấy, mức 70 - 75% là hợp lý. Tuy nhiên, một số dự án có thể cao hơn song từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới rà soát nghiên cứu, sửa đổi Luật PPP.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục