Cân nhắc việc UBND xã ban hành quyết định để phân cấp thực hiện nhiệm vụ

11:37' - 15/05/2025
BNEWS Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định này, vì chính quyền cấp xã là cấp cơ sở và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Mục đích ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khi trình bày trước Quốc hội về Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sáng 15/5.

Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã; vai trò tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung một số quy định để đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thi hành Luật, nhất là khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Dự kiến, Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Ủy ban tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cho rằng, dự thảo Luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Về nội dung văn bản của UBND cấp xã (khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật), Khoản 3 Điều 22 được đề xuất sửa đổi quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Ủy ban đề nghị cân nhắc quy định này, vì chính quyền cấp xã là cấp cơ sở nên phải gần dân, sát dân, trực tiếp và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Nếu thực hiện phân cấp thì các cơ quan nhận phân cấp mới là chủ thể chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, có thể lại tạo ra cấp trung gian trong giải quyết công việc tại cấp chính quyền cơ sở. Qua rà soát các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 cũng không giao UBND cấp xã thẩm quyền phân cấp.

Thay cho quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để phân cấp, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn để UBND cấp xã có thể giao cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, thậm chí cả công chức thuộc UBND cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương, nhất là đối với các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn để bảo đảm kịp thời giải quyết các hồ sơ, công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Cơ quan thẩm tra tán thành đề xuất của Chính phủ quy định nội dung chuyển tiếp cho phép văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp cho đến thời điểm không áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đó theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã sau sắp xếp hoặc có hiệu lực tối đa đến ngày 1/3/2027. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để quy định đầy đủ các trường hợp cần chuyển tiếp để bảo đảm không tạo khoảng trống pháp luật do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục