Cần thận trọng khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng

07:00' - 02/05/2016
BNEWS Thực phẩm chức năng có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị bệnh nhưng không phải là thuốc chữa bệnh. Hiện nay, người tiêu dùng ở Nghệ An vẫn sử dụng các sản phẩm này một cách tùy tiện.

Thực phẩm chức năng có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị bệnh, không phải là thuốc chữa bệnh. Thế nhưng hiện nay, ở Nghệ An, người tiêu dùng thường sử dụng một cách tùy tiện, thiếu khoa học, mách nhau rồi đi tìm mua ở các hiệu thuốc hoặc qua người quen, thân ở nước ngoài. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chính sức khỏe của người tiêu dùng.
* Khó kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng
Sinh con được 4 tháng, chị Nguyễn Ngân ở phường Hưng Dũng, thành phố Vinh thấy lượng sữa ít dần. Nghe theo lời giới thiệu của một người bạn, chị Ngân tìm mua Viên uống lợi sữa Pregnacare xuất xứ từ nước Anh, đây là thực phẩm tổng hợp với công thức cân đối toàn diện các vi chất dinh dưỡng giúp các mẹ đảm bảo nguồn sữa dồi dào.

Đóng gói thực phẩm chức năng xuất khẩu tại Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam, 100% vốn đầu tư của Trung Quốc, tại Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương). Ảnh: Danh lam-TTXVN

Với thực phẩm chức năng này, mỗi ngày chị Ngân phải uống 2 viên vitamin + 1 viên DHA/ngày sau ăn. Sau khi uống hết 2 hộp đầu tiên, chị Ngân cũng thấy lượng sữa của mình có tăng lên song không được nhiều, chị Ngân vẫn phải bổ sung thêm sữa bột cho con. Bên cạnh đó, thấy con mình hay bị ho, chị cũng mua siro ho Prospan Úc cho con uống. Chỉ uống hết hộp đầu tiên, chị đã thấy con đỡ.

Tiếp đến lần sau, mỗi khi con bị ho chị lại mua siro ho Prospan Úc cho con uống, tuy nhiên hiệu quả lại không được mong muốn như ban đầu. “Khi dùng thực phẩm chức năng xách tay tôi luôn nơm nớp lo. Vẫn biết thực phẩm chức năng là tốt nhưng thực ra hàm lượng và chất lượng thì tôi vẫn rất nghi ngờ, những sản phẩm tôi mua chủ yếu không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt mà chỉ qua truyền tai nhau của bạn bè”, chị Ngân cho biết.
Ở thành phố Vinh, không khó để tìm ra được các thực phẩm chức năng bày bán công khai. Không chỉ có mặt tại các cửa hiệu bán thuốc Tây, hiện nay ở thành phố Vinh và một số huyện lân cận trong tỉnh Nghệ An đang rộ lên “mốt” dùng hàng xách tay từ nước ngoài, trong đó có thực phẩm chức năng.

Do mức sống cao hơn nên người dân càng quan tâm đến sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp của mình, trong khi đó dùng thuốc Tây là con dao hai lưỡi. Nếu dùng thực phẩm chức năng chính hãng (hàng thật), được kiểm định chất lượng qua Bộ Y tế thì tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên người tiêu dùng mua thực phẩm chức năng không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của Bộ Y tế, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt sẽ không đảm bảo chất lượng.
Minh Minimart ở đường Nguyễn Văn Cừ là địa chỉ khá quen thuộc ở thành phố Vinh. Tại đây, chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng, từ chăm sóc sức khỏe đến làm đẹp cho mọi lứa tuổi. Song, điều dễ nhận thấy, các sản phẩm được bày bán hầu hết không có phụ đề bằng tiếng Việt.
Thị trường thực phẩm chức năng phát triển ở Nghệ An khoảng 5 năm trở lại đây. Việc kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu đã khó nhưng kiểm soát qua đường buôn lậu còn khó gấp nhiều lần. Địa bàn hoạt động của các đối tượng buôn bán thực phẩm chức năng rất rộng. Ngoài đi theo đường tiểu ngạch, các đối tượng buôn lậu còn thuê người dân ở các vùng giáp biên mang vác hàng lậu về xuôi tiêu thụ.

Theo tổng hợp số liệu vi phạm về thực phẩm chức năng của Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An, từ năm 2014 đến hết ngày 26/4/2016, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra 80 vụ, xử lý vi phạm gần 60 vụ, trị giá hàng vi phạm gần 200 triệu đồng, phạt hành chính 45 triệu đồng; trong đó, thực phẩm chức năng được nhập lậu không có hóa đơn chứng từ khá phổ biến.
“Nhằm vào tâm lý sính ngoại của không ít người tiêu dùng, đối tượng buôn lậu thực phẩm chức năng gắn nhãn hiệu nổi tiếng của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng thực chất là sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài ra còn có cả thực phẩm chức năng giả mà không phải lúc nào cũng phát hiện được. Cơ bản là nó tốt nhưng tốt trong trường hợp nào, sản phẩm nào là tốt thì là câu chuyện khác hẳn. Hậu quả của việc sử dụng thực phẩm chức năng giả là vô cùng nguy hại !
* Hãy là người tiêu dùng thông thái
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cố tình quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, khiến nhiều người tưởng nhầm đó là “thần dược” có khả năng chữa bệnh. Nhưng trên thực tế, qua kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, việc quá nhiều sản phẩm có chỉ tiêu hàm lượng các chất không đạt như công bố, thậm chí không phát hiện hoạt chất chính được công bố trong sản phẩm. Điều này cho thấy thực trạng rất đáng ngại về chất lượng các loại thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường hiện nay.

Lạm dụng thực phẩm chức năng sẽ gây ra những tác hại khó lường. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS

Theo Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng khi đưa ra thị trường phải thử nghiệm công dụng của thực phẩm, nhưng đến nay chưa triển khai. Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ phải có chứng nhận hợp quy và thường do một đơn vị thứ 3 thực hiện mới cho kết quả khách quan. Thế nhưng tại Việt Nam, doanh nghiệp lại được quyền tự công bố chất lượng sản phẩm và sau khi được cơ quan quản lý công bố là sản phẩm được lưu hành. Hiện cũng không có quy định nào về quản lý giá của thực phẩm chức năng, giá thực phẩm chức năng do từng công ty công bố. Chính những yếu tố này cũng gây nhiều khó khăn cho đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh khi tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm.
Thực phẩm chức năng của nước ngoài được quản lý và kiểm nghiệm chất lượng khá chặt chẽ và bản thân giá của thực phẩm chức năng đó rất rẻ. Tuy vậy, khi chuyển về Việt Nam, giá cả của thực phẩm chức năng được đội lên rất nhiều. Thực tế trên cho thấy, các cơ quan chức năng dường như đang buông lỏng quản lý đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, bởi hiện nay có hàng nghìn trang mạng rao bán thực phẩm chức năng với giá trên trời và quảng cáo thực phẩm chức năng như “thần dược” nhưng không có cơ quan nào xử lý được.
“Thực phẩm chức năng liên quan đến sức khỏe con người. Nếu thực phẩm chức năng không được kiểm định chất lượng qua Bộ Y tế thì người dân không nên mua, bởi mua phải hàng trôi nổi thì không đảm bảo chất lượng. Trên thực tế nhiều thực phẩm chức năng đã được Bộ Y tế cấp phép cho kinh doanh, nếu người mua trong quá trình sử dụng gặp vấn đề về sức khỏe từ việc sử dụng thuốc sẽ được doanh nghiệp bồi thường, được pháp luật bảo vệ. Do vậy, người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông thái, thông minh để lựa chọn sản phẩm tiêu dùng cho gia đình mình”, bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An khuyến cáo.
Để chống buôn lậu thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An không chỉ là việc truy quét và xử lý nghiêm những đối tượng buôn lậu mà còn cần áp dụng đối với cả những hiệu thuốc tiếp tay cho các đối tượng trên. Việc xử lý hành chính, công khai tên những hiệu thuốc tiếp tay hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa đủ mà cần phải đưa ra chế tài tước giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên và công khai các cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng đảm bảo chất lượng; làm tốt công tác tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của thực phẩm chức năng; khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin vào những lời quảng cáo quá mức; sớm ban hành quy định cho phép bác sĩ dược kê toa thực phẩm chức năng.
Giải pháp là vậy, song ông Hồ Sơn, Chánh Thanh tra Sở Y tế Nghệ An cũng thừa nhận: “Quản lý thị trường thực phẩm chức năng đang là vấn đề khó, bởi được cấp phép thì doanh nghiệp đó có quyền sản xuất, còn khi bán ra thị trường, đa phần lại bán theo đa cấp và lợi nhuận mang lại khổng lồ. Ngành Y tế chỉ quản lý được chất lượng còn giá cả thì do doanh nghiệp tự định giá". Chánh Thanh tra Sở Y tế Nghệ An khuyến cáo, với thị trường thực phẩm chức năng, người dân cần thận trọng, tìm hiểu sản phẩm hết sức kỹ lưỡng, tỉnh táo trước khi quyết định mua và tiêu dùng, đừng vội tin vào những lời dụ dỗ ngon ngọt, truyền tai nhau để mua. Nếu đã mua phải có sự tư vấn của chuyên gia y tế”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục