Cần thiết thay đổi quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng trong chế biến thực phẩm

19:14' - 12/11/2021
BNEWS Bộ Y tế khẩn trương xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Ngày 12/11, các Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA) phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) và Hội nước mắm Phú Quốc phối hợp tổ chức hội thảo "Thực trạng và đánh giá kết quả tác động trong 5 năm thực hiện quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm" tại Tp. Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cho biết, theo quy định Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Nghị định 09/2016), đơn vị sản xuất kinh doanh phải sử dụng muối bổ sung i-ốt, bột mì bổ sung kẽm và sắt để sản xuất sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước, nhưng tại thị trường xuất khẩu thì phần lớn không chấp nhận quy định này.

Điều này dẫn đến đơn vị sản xuất kinh doanh phải tạo ra sản phẩm phù hợp với từng thị trường, đồng thời năng lực cạnh tranh và doanh thu ở một số thị trường xuất khẩu bị sụt giảm so với những quốc gia khác.

Ngoài ra, một số đơn vị sản xuất kinh doanh còn có nguy cơ bị liên đới trách nhiệm khi doanh nghiệp thương mại, nhà xuất nhập khẩu tự ý xuất khẩu sản phẩm nội địa ra thị trường nước ngoài.

Điển hình là vừa mới đây, sản phẩm mì Hảo Hảo xuất khẩu sang Nhật Bản với mục tiêu phục vụ cộng đồng 40.000 người Việt tại nước này, nhưng không được chấp nhận vì sản phẩm có bổ sung i-ốt, kẽm và sắt.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc chỉ ra rằng, nước mắm truyền thống là mặt hàng giàu i-ốt tự nhiên từ nguyên liệu cá biển. Tuy nhiên, khi dùng thêm muối i-ốt ủ thì nước mắm bị đổi màu theo xu hướng sậm hoặc đe nhơn, thay vì có màu cánh gián tự nhiên.

Còn theo một số chuyên gia, i-ốt khá nhạy cảm với nhiệt độ và ánh sáng, nên trong quy trình sản xuất chế biến thực phẩm khó giữ được tồn dư trên thành phẩm; trong đó có thể kể đến những sản phẩm như thịt gia súc, gia cầm...

 Do đó, đơn vị sản xuất kinh doanh phải sử dụng loại muối i-ốt cao hơn những loại muối phổ biến trên thị trường khoảng 5% để đáp ứng những quy định của Nghị định 09/2016.

Trước bối cảnh nêu trên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho hay, cùng với cộng đồng doanh nghiệp, Hội này đã có kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Cụ thể, các quy định chỉ nên theo hướng khuyến khích, không bắt buộc đơn vị sản xuất kinh doanh phải dùng muối bổ sung i-ốt, bột mì bổ sung kẽm và sắt trong chế biến thực phẩm như hiện nay.

Trong tháng 9/2021 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi cái hiệp hội, hội và doanh nghiệp về yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 09/2016.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang xây dựng dự thảo tăng cường thực hiện Nghị định này, nên cộng đồng doanh nghiệp đang có tâm lý lo lắng và mong muốn các quy định mới phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh thực tế, cũng như đáp ứng cả nhu cầu thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục