Cần Thơ hiện thực hoá tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời

14:08' - 23/11/2017
BNEWS Gần đây, nỗi lo thiếu điện đã và đang hiện hữu trong đời sống kinh tế - xã hội lại càng bức xúc hơn. Việc tìm kiếm một nguồn năng lượng điện thay thế ổn định hơn cũng trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Cần Thơ hiện thực hoá tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời. Ảnh minh họa: Ngọc Hà /TTXVN

Trong bối cảnh xu hướng điện năng lượng mặt trời đang ngày càng phổ biến trên thế giới với thế mạnh về nguồn năng lượng “sạch” hướng đến phát triển xanh và thân thiện với môi trường, đồng thời góp phần cung cấp thêm nguồn điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân và đảm bảo an ninh năng lượng thì việc hàng loạt các quỹ đầu tư quốc tế và tập đoàn đa quốc gia đề xuất triển khai nhiều dự án điện mặt trời kinh phí lớn tại Cần Thơ là một tín hiệu vui cho ngành điện lực thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ, trong khoảng 5 năm trở lại đây, với những ảnh hưởng ngày càng bất thường của biến đổi khí hậu gây xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài đã khiến sản lượng tiêu thụ điện của thành phố mỗi năm lại tăng thêm từ 10% - 12%. Riêng trong năm 2017, lượng tiêu thụ mỗi ngày cao nhất lên tới 8,1 triệu kWh, trong khi ngày cao nhất của năm 2016 là 7,1 triệu kWh.

Để bảo đảm ổn định nguồn điện cho thành phố, tránh để xảy ra mất điện ở các khu vực công nghiệp cũng như khu đông dân cư, ngành điện lực Cần Thơ phải bố trí các tổ điều hành cung ứng điện theo dõi sát sao sản lượng và công suất trên lưới điện và nguồn điện trên hệ thống để điều tiết kịp thời khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, một số công trình điện lớn trên đường dây 110kV hay nhánh rẽ về E11 cũng phải được duy tu, sửa chữa liên tục do thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.

Đặc biệt, khi nhiệt độ ngoài trời vượt mức 35°C, Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ phải bố trí lực lượng trực gấp đôi so với bình thường để kịp thời xử lý các tình huống sự cố trên hệ thống điện có thể xảy ra do phụ tải tăng cao đột ngột gây nguy cơ mất điện trên diện rộng.

Ông Quảng cho biết, tuy đến nay, ngành điện lực Cần Thơ vẫn đang duy trì nguồn điện an toàn và liên tục cho thành phố, nhưng trước sự phát triển của các mô hình nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao kéo theo nhu cầu về điện tăng mạnh tại Cần Thơ trong thời gian gần đây, nỗi lo thiếu điện đã và đang hiện hữu trong đời sống kinh tế - xã hội lại càng bức xúc hơn. Việc tìm kiếm một nguồn năng lượng điện thay thế ổn định hơn cũng trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, trong các giải pháp năng lượng tái tạo có khả năng cải thiện nguồn điện ở Cần Thơ thì điện năng lượng mặt trời được các sở, ngành hữu quan thành phố ưu tiên phát triển nhất, bởi đây là dạng năng lượng rất sạch so với các loại năng lượng tái tạo khác.

Bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cũng cho biết, hiện nay Cần Thơ là một trong ba địa phương có cường độ ánh sánh mặt trời lớn nhất Việt Nam. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời để sản xuất điện rất phù hợp.

Đặc biệt, theo dự báo của Bộ Công Thương, nguồn điện phát hằng năm trong giai đoạn 2020 – 2030 có thể thiếu hụt, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế, Bộ Công Thương kỳ vọng thành phố Cần Thơ với vị thế là đô thị kinh tế - xã hội động lực của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể tiên phong đi đầu trong khai thác và phát triển điện mặt trời và trở thành trung tâm cung cấp điện cho toàn vùng.

Trên thực tế, cho đến nay đã có ít nhất 3 tập đoàn quốc tế đặt vấn đề trực tiếp về đầu tư phát triển nhà máy điện mặt trời tại Cần Thơ, cùng hàng chục các quỹ đầu tư lớn nhỏ khác đang trong giai đoạn khảo sát.

Cuối năm 2015, Công ty Thanh niên-Vetco Vina (Hàn Quốc) chuyên về năng lượng tái tạo và điều hành bệnh viện đã đề xuất đầu tư xây dựng Nhà máy năng lượng Mặt Trời công suất 130 MW tại Cần Thơ với kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng, cùng cam kết nhà máy sẽ được vận hành với công nghệ tiên tiến nhất đến từ Hàn Quốc.

Đặc biệt, song song với việc xây dựng nhà máy điện mặt trời, Công ty Thanh niên-Vetco Vina cũng sẽ đầu tư phát triển mô hình bệnh viện sử dụng năng lượng mặt trời chuẩn quốc tế tại Cần Thơ nhằm mục tiêu giúp ngành y tế thành phố giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống máy phát điện chạy bằng dầu diesel và xăng rất đắt đỏ; qua đó, kiến tạo một cơ sở hạ tầng điện năng y tế bền vững và ổn định hơn.

Đầu tháng 6/2017, Tập đoàn Đông Nam Á ET Solar chuyên về lĩnh vực công nghệ cao đã đề xuất hợp tác xây dựng hệ thống nhà máy sản xuất, cung cấp sản phẩm bằng năng lượng pin mặt trời và nhiệt mặt trời với sức cung ứng khoảng 200 MW trên địa bàn thành phố.

Đây là mô hình đã được ET Solar xây dựng thành công ở 15 quốc gia, bao gồm các nền kinh tế phát triển như Mỹ và Singapore trước khi đến với Việt Nam; công ty cũng cam kết hỗ trợ chuyển giao công nghệ cũng như phương pháp vận hành nhà máy cho thành phố Cần Thơ để sản xuất và bán thành phẩm ra thị trường một cách hiệu quả.

Mới đây, Quỹ năng lượng sạch của Quỹ đầu tư Dragon Capital (Mỹ) đã có buổi làm việc với UBND thành phố Cần Thơ về đề xuất đầu tư dự án điện mặt trời tại Cần Thơ với công suất giai đoạn 1 là 40 MW và tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng; dự kiến khởi công xây dựng vào cuối quý 1 năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Quỹ sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với công suất khoảng 100 MW, thậm chí thực hiện tiếp giai đoạn 3 của dự án tùy thuộc vào diện tích đất sẵn có mà thành phố Cần Thơ có thể dành ra để phát triển dự án.

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, thành phố luôn hoan nghênh những dự án phát triển năng lượng tái tạo đến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cũng đã đưa lĩnh vực này vào quy hoạch phát triển đến 2020, tầm nhìn 2030 nhằm tăng nguồn cung cấp điện cho địa phương, nhất là ở những vùng sâu còn thiếu điện sinh hoạt.

Bà Ánh cũng cho biết, lãnh đạo thành phố đánh giá rất cao tính khả thi cũng như ý nghĩa kinh tế của những dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời tại Cần Thơ của các quỹ đầu tư trong thời gian gần đây; đồng thời, tin tưởng khi được đưa vào hoạt động, các dự án sẽ giúp thành phố giải quyết hai bài toán về giảm tải cho lưới điện quốc gia cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, về điều kiện đầu tư các dự án này, Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ quy định muốn đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời phải có quy hoạch của quốc gia và địa phương nhưng Cần Thơ chưa có quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời.

Do đó, các nhà đầu tư phải lập thủ tục xin Bộ Công Thương chấp thuận bổ sung quy hoạch nếu dự án dưới 50 MW, còn trên 50 MW phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Quá trình cấp phép kéo dài này rất có thể sẽ làm một số nhà đầu tư “nản lòng”; đây cũng là lý do một số dự án tuy đã lên kế hoạch từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành được.

Một vấn đề khác là quỹ đất mà phía các nhà đầu tư đề xuất xây dựng nhà máy tương đối lớn, vào khoảng 40 – 50 ha cho mỗi dự án. Do hiện nay tài nguyên đất của Cần Thơ hầu như là đất sản xuất nông nghiệp, sinh lợi cho người dân cao nên để mất đi 50 ha đất xây dựng nhà máy cần phải có sự nghiên cứu, tính toán và cân nhắc thật cẩn thận để vừa cân đối được quỹ đất xây dựng mà công suất năng lượng lợi cao nhất, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và phát huy được hiệu quả cao nhất không chỉ cung cấp điện cho Cần Thơ mà cho cả vùng Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, bà Ánh khẳng định, với quyết tâm “hiện thực hoá” tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời của Cần Thơ, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ hỗ trợ tối đa trong việc cung cấp các thông tin liên quan, đặc biệt là trong quy hoạch sử dụng đất để đơn vị đầu tư thực hiện nghiên cứu khả thi, phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế của thành phố.

Đặc biệt, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo còn được hưởng các ưu đãi về miễn thuế nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu; hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển khoa học công nghệ; miễn tiền thuế đất tối đa 11 năm…

Đồng thời, UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở Công Thương tích cực hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục để báo cáo UBND thành phố và trình Bộ Công Thương sớm đưa vào quy hoạch điện năng lượng mặt trời về các dự án này./.

>>> Làm gì để "hút" đầu tư vào năng lượng tái tạo?

>>> IEA nhận định về “kỷ nguyên mới” của năng lượng Mặt trời

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục