Thừa Thiên - Huế công bố các địa điểm dành cho các dự án điện mặt trời

17:26' - 08/09/2017
BNEWS Thừa Thiên - Huế là địa phương có bình quân tới 1893,6 giờ nắng/năm và cường độ bức xạ mặt trời khá cao với mức 4,33 kWh/m2/ngày.
Thừa Thiên - Huế tăng cường phát triển năng lượng mặt trời. Ảnh minh họa

Với điều kiện bức xạ và số giờ nắng trên, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, đây là vùng đạt các tiêu chí về bức xạ và số giờ nắng sử dụng các dàn pin mặt trời cho hiệu quả tốt, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời tại Thừa Thiên - Huế.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có chiều dài bờ biển trên 100 km, với nhiều địa điểm hoang mạc có địa hình bằng phẳng, độ phản nhiệt cao nên về mặt kỹ thuật rất thích hợp để đầu tư phát điện năng lượng mặt trời.

Hơn nữa, về mặt kinh tế những địa điểm này khá cằn cỗi nên bị hoang hóa đã lâu hoặc đã sử dụng nhưng có hiệu quả kinh tế không cao nên việc đầu tư nhà máy phát điện năng lượng mặt trời tại những địa điểm này là rất thích hợp.

Tuy nhiên đến nay việc đầu tư phát điện năng lượng mặt trời ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có.

Hiện nay, có rất nhiều dự án điện năng lượng mặt trời được đăng ký nhưng mới chỉ có dự án Nhà máy Điện mặt trời Phong Điền được cấp phép đầu tư.

Dự án do Công ty cổ phần Điện Gia Lai đầu tư tại xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có công suất 35MW.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế cũng đã thực hiện tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu khuôn khổ dự án "Nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng dễ bị tổn thương tỉnh Thừa Thiên - Huế".

Dự án do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện với sự hỗ trợ của tổ chức NCA (Norwegian Church Aid) Việt Nam.

Trên cơ sở này, Thừa Thiên - Huế đã tập trung hỗ trợ việc sử dụng năng lượng mặt trời tại thôn Vĩnh An, xã Phong Bình, huyện Phong Điền; ứng dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất 1,5 kW/hệ cho cho 2 tàu đánh cá của huyện Phú Vang, đưa vào vận hành hệ thống hoạt động ổn định và đạt hiểu quả cao.

Riêng hệ thống điện năng lượng mặt trời đã hỗ trợ nguồn điện trên tàu nhằm phục vụ chiếu sáng, bơm nước nhằm thay thế một phần nguồn điện máy phát.

Mỗi ngày, hệ thống tiết kiệm cho chủ tàu đánh cá 20 lít đầu (mỗi chuyến đi biển 10 ngày là 200 lít dầu). Thành phố Huế đã ứng dụng đèn năng lượng mặt trời tại một số điểm giao thông chiếu sáng đường Tôn Đức Thắng.

Đèn hoạt động ổn định và đảm bảo chiếu sáng liên tục vào ban đêm khi thời tiết mưa 4-5 ngày.

Mỗi cột đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời lắp đặt thay thế cho đèn cao cáp sodium công suất 100W tiết kiệm được lượng điện tiêu thụ trên 1 năm là 438 kWh/1 cột.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn ra ở quy mô toàn cầu và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.

Việc tiết kiệm năng lượng vừa góp phần giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, giúp hạn chế phát thải khí nhà kính, qua đó cũng góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Dịp này, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng công bố các địa điểm dành cho các dự án điện mặt trời trên địa bàn, để các nhà đầu tư có cơ sở đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư.

Cụ thể, huyện Phong Điền: khu vực xã Điền Môn và Điền Hương với diện tích 127ha; xã Phong Chương, Phong Hiền, Phong Hòa cùng diện tích 100 ha; huyện Phú Lộc: khu vực Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô (khu vực xã Lộc Thủy, xã Lộc Tiến) với diện tích 170 ha.

Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế theo quy định của Luật Đầu tư.../.

Xem thêm:

>>>Tiềm năng năng lượng tái tạo có phải chỉ là lý thuyết?

>>>Quảng Ngãi: Đảo bé An Bình có thêm điện năng lượng mặt trời

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục