Cần Thơ khuyến khích tái cấu trúc nhà xưởng tăng hiệu quả sản xuất

08:00' - 05/10/2024
BNEWS Ngày 4/10, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đi thăm, làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu may mặc, thủy sản trên địa bàn thành phố.

Cụ thể là Công ty TNHH Kwong Lung Meko, Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (Khu công nghiệp Trà Nóc) và Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành (quận Ninh Kiều).

 

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của thành phố. Ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc để ổn định hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm, giữ chân người lao động và chăm lo đời sống người lao động tốt hơn để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, thị trường thế giới đang gặp nhiều biến động, doanh nghiệp cần nỗ lực để vượt qua; đồng thời, tranh thủ cơ hội một số quốc gia sản xuất cùng sản phẩm đang gặp khó khăn để đẩy mạnh khả năng phát triển, nhất là đối với doanh nghiệp may mặc.

Nhiều doanh nghiệp đang có diện tích đất lớn nhưng do nhà xưởng được xây dựng cách đây nhiều, thiết kế chưa được tối ưu dẫn đến công suất sử dụng chưa cao. Do đó, cần có giải pháp để cải thiện tình trạng này, nghiên cứu, tái cấu trúc lại mặt bằng sản xuất để tăng hiệu quả. Đồng thời, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao - ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Công ty TNHH Kwong Lung Meko chuyên sản xuất, chế biến lông vũ và may mặc xuất khẩu với các sản phẩm như áo jacket, chăn ga, gối nệm... nhồi lông vũ tự nhiên hoặc lông vũ nhân tạo. Thị trường chính là Nhật Bản, Bắc Mỹ và châu Âu. Năm 2023, công ty đạt doanh thu 85 triệu USD (khoảng 2.100 tỷ đồng), nộp ngân sách gần 35 tỷ đồng. Năm 2024, doanh thu của Công ty TNHH Kwong Lung Meko dự kiến đạt 91 triệu USD, nộp ngân sách hơn 57 tỷ đồng. Công ty hiện có gần 1.900 lao động với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc công ty cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của chính quyền thành phố. Đặc biệt, năm 2024, UBND thành phố đã tổ chức hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố” để lắng nghe và giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.

Theo ông Lê Văn Thanh, hiện công ty đang gặp một số khó khăn như thị trường vẫn còn bị ảnh hưởng sau đại dịch, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi; xung đột giữa các quốc gia trên thế giới kéo dài, tình hình bất ổn ở Trung Đông cộng thêm giá cả nguyên phụ liệu tăng cao và thiếu công nhân may cũng ảnh hưởng không ít đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty.

Cũng là doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu, Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành Doanh dự kiến doanh thu năm 2024 đạt 20 triệu USD, tương đương 4 triệu sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành cho biết, doanh nghiệp hiện đang hợp tác với khách hàng là các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Express, J.Crew, Alo Yaga, Chico's Fas… Công ty Việt Thành hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 700 công nhận với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam - doanh nghiệp có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến cá tra xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường như Brazil, Pháp, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Monaco… có mức doanh thu 9 tháng của năm 2024 đạt 405 tỷ đồng; trong đó kim ngạch xuất khẩu 225 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam cho biết, năm 2024 là năm khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản do lạm phát tăng, tồn kho ở các thị trường tiêu thụ nhiều nên nhu cầu nhập khẩu thủy sản giảm mạnh. Số lượng đơn hàng sụt giảm, rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cước vận chuyển tăng, nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá xuất khẩu sụt giảm trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất như tiền lương, tiền điện, thức ăn cá, con giống… tăng cao.

Cùng đó là những khó khăn như rào cản về chất lượng, tiêu chuẩn và quy định của các thị trường xuất khẩu, khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc đáp ứng yêu cầu. Sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc trong việc kiểm soát các hãng tàu vận chuyển khiến giá cước tàu tăng quá cao, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngoài ra còn những khó khăn về lao động như khó tuyển công nhân do công việc trong ngành thủy sản có điều kiện lao động khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự ổn định của công nhân cũng như mất thời gian để đào tạo lao động tay nghề phù hợp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục