Cần Thơ tập trung tín dụng vào sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên

16:34' - 13/09/2021
BNEWS Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Cần Thơ, tính đến hết tháng 7/2021, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 114.555 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2020.

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh thành phố Cần Thơ, định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành phố Cần Thơ từ nay đến cuối năm 2021 là chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, hạn chế tín dụng đen.

Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nắm bắt tình hình để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của TCTD, của doanh nghiệp và người dân.

Các TCTD tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố để nắm bắt thông tin về khách hàng vay vốn, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn chung; duy trì lịch làm việc của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp ngành ngân hàng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả hỗ trợ Doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn thành phố Cần Thơ...

Do trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc đẩy mạnh, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các TCTD không thể làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ khó khăn hay triển khai, đẩy nhanh việc thẩm định hồ sơ vay vốn để giải ngân cho các doanh nghiệp cũng như kiểm tra thực tế để quản lý, kiểm soát việc sử dụng vốn vay của doanh nghiệp.

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu sử dụng đòn bẩy tài chính và đòn cân nợ lớn, vay tín chấp hoặc bảo đảm bằng hàng hóa, việc mua lúa gạo, thủy sản… chủ yếu bằng tiền mặt, nhận tiền vay thông thường là tiền mặt, vốn đưa vào hoạt động kinh doanh đan xen nhau, rất khó để xác minh đánh giá, hàng trong kho của doanh nghiệp. Trong khi giãn cách ngân hàng chỉ được làm 1/3 nhân sự, di chuyển theo lộ trình, nên giám sát, bảo vệ, kiểm tra hàng hóa tại kho là rất khó dẫn đến e ngại xảy ra rủi ro.

Trong thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, việc xuất hàng để giao các đơn hàng xuất khẩu gặp khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ cho ngân hàng, điều này cũng tạo sự e dè cho các tổ chức tín dụng nâng hạn mức cho vay.

Các doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc triển khai phương án "3 tại chỗ", khâu vận chuyển trong và ngoài thành phố gặp khó gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Doanh nghiệp không có đủ nhân lực, lao động, nên doanh nghiệp không dám ký kết hợp đồng mới do không đảm bảo được đủ nguồn cung hàng, vận chuyển, lưu thông khó khăn, giá cước vận tải biển cũng tăng cao, ách tắc container hàng hóa...

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Cần Thơ, tính đến hết tháng 7/2021, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 114.555 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2020, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (3,38%); trong đó,  dư nợ cho vay ngắn hạn là 62.100 tỷ đồng, chiếm 54%, tăng 14,01%; dư nợ cho vay trung dài hạn 52.900 tỷ đồng, chiếm 46% tổng dư nợ cho vay, tăng 7,32% so với tháng 12/2020.

Hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng.

Ngoài ra, trên địa bàn còn có 43 TCTD cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với dư nợ đến 31/7/2021 đạt 27.010 tỷ đồng,  tăng 9,05% so với cuối năm 2020; Cho vay thu mua lúa, gạo có 34 TCTD cho vay với dư nợ đến 31/7 là 11.026 tỷ đồng, tăng 32,57% so với đầu năm; trong đó, dư nợ cho vay thu mua xuất khẩu đạt 3.117 tỷ đồng, tăng 53,24% so với cuối năm 2020. Ngoài hạn mức tín dụng, các TCTD đã phê duyệt hạn mức thu mua, tạm trữ lúa gạo chưa giải ngân là khoảng 4.000 tỷ đồng.

Nợ xấu đến cuối tháng 8/2021 là 1.300 tỷ đồng, chiếm 1,13% tổng dư nợ cho vay, tăng 26,46% so với tháng 12/2020.../.

>>NHNN: Hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục