Cần Thơ: Triều cường vượt báo động 3, nhiều tuyến đường ngập nặng

21:53' - 18/10/2020
BNEWS Theo UBND quận Ninh Kiều, ngày 18/10, mực nước sông Hậu lên cao, đạt mức 2,15 m, gần bằng năm 2019 và gây ngập trên 100 tuyến đường tại nội ô quận Ninh Kiều.

Chiều 18/10, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cùng đại diện các sở, ngành chức năng, UBND quận Ninh Kiều đi khảo sát thực tế, kiểm tra tình hình phòng, chống ngập lụt, đảm bảo giao thông, sinh hoạt của người dân tại một số điểm ngập sâu do triều cường trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Đoàn đã đến kiểm tra thực tế tại khu vực hồ Búng Xáng, hồ Xáng Thổi, khu vực xây dựng bờ kè sông Cần Thơ (đường Tầm Vu) và ngã tư Mậu Thân - Trần Hưng Đạo.

Đây là các vị trí khi triều cường lên cao, nước tràn ngập lên đường, thậm chí có tuyến đường nước tràn ngập vào nhà dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình. Đặc biệt, tại khu vực hồ Xáng Thổi, hồ Búng Xáng, nhiều hộ kinh doanh, mua bán phải ngưng hoạt động do nước ngập sâu...

Theo UBND quận Ninh Kiều, ngày 18/10, mực nước sông Hậu lên cao, đạt mức 2,15 m, gần bằng năm 2019 và gây ngập trên 100 tuyến đường tại nội ô quận Ninh Kiều.

Trong đó, khoảng 61 tuyến đường chính bị ngập sâu khoảng 0,4 m, như: Các tuyến đường thuộc phường Tân An, An Lạc và đường Mậu Thân (phường An Hòa), đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Khánh), đường Huỳnh Cương, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Trần Văn Hoài và các tuyến đường thuộc cồn Khương, Trung tâm Thương mại Cái Khế…

Bên cạnh đó, nhiều hẻm đã bị ngập sâu do triều cường, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận Ninh Kiều tập trung quyết liệt công tác phòng, chống thiên tai, ảnh hưởng của ngập lụt do triều cường và các đợt sắp tới.

Đặc biệt, các cấp, các ngành tập trung bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tuyệt đối không để tình trạng xấu, đáng tiếc xảy ra; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn để chủ động ứng phó, rà soát và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực hồ Búng Xáng, trên tuyến đường Tầm Vu và công trình đang thi công bờ kè sông Cần Thơ; phân công lực lượng trực ứng phó và hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường ngập sâu, khu vực giao nhau giữa các tuyến đường...

UBND thành phố Cần Thơ cùng chức năng lập kế hoạch, tham mưu cho UBND thành phố việc xây dựng lan can bảo vệ và hệ thống chiếu sáng công cộng tại khu vực hồ Búng Xáng, nhằm đảm bảo việc đi lại, sinh hoạt của người dân trên địa phương. Đây là khu vực một phụ nữ đã tử vong trong đợt triều cường năm ngoái, do nước ngập sâu gây lạc phương hướng, lao xe xuống hồ.

Trong những ngày qua, tại Cần Thơ, triều cường lên cao kết hợp mưa lớn đã làm các tuyến đường ở trung tâm thành phố bị ngập nặng. Tình trạng trên đã ảnh hưởng đến việc buôn bán, kinh doanh, đi lại của người dân.

Mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu ngày 18/10 là 2,15 m (cao hơn báo động 3 là 0,15 m). Dự báo, đợt triều cường này còn có khả năng tiếp tục lên cao trong 2 ngày tới, sau đó mới rút dần.

Thời điểm nước lên vào sáng sớm và chiều tối, lực lượng Công an thành phố, các quận tham gia tuần tra, điều tiết, hướng dẫn giao thông các tuyến đường ngập sâu, các điểm giao nhau giữa các tuyến đường để tránh ùn tắt giao thông.

Lực lượng xung kích tại các địa phương đã xuống đường hướng dẫn đi lại, hỗ trợ phương tiện giao thông bị chết máy do ngập nước…

Trong khi đó, ở thượng nguồn sông Cửu Long, mực nước hiện cũng đang lên cao. Cụ thể, mực nước trên sông Hậu tại Châu Đốc vào lúc 7 giờ ngày 18/10 là 2,49 m (cao hơn so với đầu tháng 10 là 1,1 m); sông Tiền tại Tân Châu đạt 2,58 m (cao hơn đầu tháng 10 là 0,84 m).

Dự báo, nước thượng nguồn tiếp tục lên và có khả năng đổ về thành phố Cần Thơ vào đúng kỳ triều cường đang dâng cao, gây ngập sâu ở vùng trũng thấp, khu vực ven sông rạch…

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, lãnh đạo Ban yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức trực ban 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu, giải quyết các tình huống khẩn cấp có liên quan đến thiên tai, triều cường; tổ chức quản lý các van ngăn triều, đóng mở kịp thời nhằm hạn chế ngập lụt đô thị và tháo nước ngập úng nhanh; kiểm tra, rào chắn, cảnh báo khu vực ngập sâu, ao hồ nhằm tránh nguy hiểm cho người đi đường.

Cùng với đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức di dời người dân ra khỏi khu vực ngập sâu, có nguy cơ sạt lở đất; kiểm tra, gia cố đê bao, khắc phục tình trạng chảy tràn gây sạt lở, hư hại vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản của người dân./.

>>Quảng Nam: Bờ biển Thịnh Mỹ sạt lở hơn 400m do mưa lũ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục