Cần xác định rõ mô hình đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành

17:22' - 28/03/2018
BNEWS Theo chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam, việc triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành đang trong tình trạng “loay hoay” do chưa rõ mô hình đầu tư nên chưa thể huy động được nguồn vốn.
Cần xác định rõ mô hình đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Tại hội thảo “Thúc đẩy dự án sân bay quốc tế Long Thành” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 28/3 tại Tp. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, việc triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành đang trong tình trạng “loay hoay” do chưa rõ mô hình đầu tư nên chưa thể huy động được nguồn vốn.

“Việc triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được nhìn nhận là dự án đầu tư công chứ không phải đầu tư công tư. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư dự án sân bay có thể áp dụng mô hình đầu tư tư nhân, hầu như đảm bảo lợi nhuận vì đây là lĩnh vực đặc thù. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý để triển khai dự án sân bay theo hình thức đối tác công tư PPP. Nếu có cơ chế rõ ràng thì việc huy động doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia không phải là vấn đề khó”, Tiến sĩ Lương Hoài Nam chia sẻ quan điểm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, bên cạnh nhiều cơ hội mang lại cho tỉnh Đồng Nai, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, dự án sân bay quốc tế Long Thành cũng đang đặt ra nhiều thách thức lớn như: huy động vốn, bồi thường giải phóng mặt bằng (hơn 23.000 tỷ đồng) để kịp tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2025.

Góp ý về chính sách huy động vốn từ góc độ đất đai, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, hai ấn đề lớn nhất mà dự án sân bay quốc tế Long Thành đang gặp phải là vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng. Với những dự án lớn, một số nước đã áp dụng thành công mô hình khai thác nguồn lợi đất đai như Hàn Quốc, Nhật Bản… khi xác lập cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai, từ đó Nhà nước không phải bỏ tiền ra đầu tư dự án.

“Vì thế với dự án sân bay quốc tế Long Thành, cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét việc quy hoạch lại đô thị huyện Long Thành để tăng giá trị sử dụng đất, tạo nguồn tiền đầu tư dự án. Muốn vậy, Quốc hội cần thông qua Nghị quyết về thực hiện cơ chế này dựa trên khung pháp lý Luật Đất đai 2013”, ông Đặnh Hùng Võ khuyến nghị.

Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, cần đặt dự án sân bay quốc tế Long Thành trong tầm nhìn quy hoạch xa hơn, nếu không sẽ chỉ xây dựng được một sân bay hiện đại nhưng đô thị xung quanh lại nhếch nhác, gây lãng phí. Do đó, cần quy hoạch lại huyện Long Thành để tương thích với dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cần phải tiến hành nhanh, quyết liệt để tránh kéo dài thời gian làm tăng chi phí bồi thường do tính thêm độ trượt giá đồng tiền. Đặc biệt, cần minh bạch chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của người dân.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, diện tích để tái định cư dự án lên tới 380ha và khoảng 20ha làm khu nghĩa trang nên tổng diện tích cần phải giải phóng mặt bằng của dự án sân bay quốc tế Long Thành vượt hơn 5.000ha với 4.815 hộ và 15.000 nhân khẩu phải di dời.

“Đây là thực tế đang đặt ra nhiều thách thức cho tỉnh Đồng Nai trong việc thẩm định giá đất bồi thường vì hiện nay giá đất vùng ven đang bị “thổi” nên không thể căn cứ vào giá đất này để áp dụng phương án đề bù.

Đó là chưa kể khó khăn trong đào tạo tạo nghề, tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân nên sẽ phát sinh tranh chấp, khiếu nại, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Cùng với đó là sắp xếp lại ranh giới hành chính của huyện Long Thành, nhất là những vùng phụ cận sân bay quốc tế Long Thành”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục