Canada, Anh và Costa Rica đóng góp tài chính cho sáng kiến cung cấp vắc-xin COVID-19

21:18' - 26/09/2020
BNEWS Canada Justin Trudeau sẽ đóng góp khoảng 164 triệu USD cho sáng kiến COVAX do WHO khởi xướng nhằm tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận với các loại vắc-xin COVID-19.

Ngày 25/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ nước này sẽ đóng góp khoảng 220 triệu CAD (164 triệu USD) cho sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận với các loại vắc-xin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Động thái này của Canada là để được quyền mua 15 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân nước này, đồng thời cũng sẽ dành 220 triệu CAD để cung cấp vắc-xin ngừa COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ông Trudeau khẳng định Canada không thể đánh bại COVID-19 nếu dịch bệnh không được kiểm soát ở những nơi khác trên thế giới.

Việc tìm kiếm vắc-xin để chặn đà lây lan của dịch COVID-19 tại Canada hiện là mối quan tâm lớn đối với chính phủ liên bang nước này, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang có xu hướng trỗi dậy tại các tỉnh Quebec, Ontario, British Columbia và Alberta.

Đầu tuần này, Thủ tướng Trudeau cảnh báo Canada đã bước vào thời điểm bước ngoặt, khi làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 đang tấn công 4 tỉnh bang lớn nhất nước. Canada đã ghi nhận khoảng 150.000 ca mắc COVID-19 trên toàn quốc, trong đó hơn 9.200 ca tử vong. Trong tuần qua, Canada có thêm 8.545 ca mắc COVID-19 mới, tăng 36% so với tuần trước đó.

Thủ tướng Trudeau khẳng định người dân Canada cần được tiếp cận với các loại vắc-xin an toàn và hiệu quả, dù vắc-xin này đang được phát triển tại bất cứ nơi đâu. Hiện Canada đã đạt được thỏa thuận cung ứng vắc-xin với 6 nhà sản xuất Sanofi-GlaxoSmithKline, Johnson & Johnson, Novavax, Pfizer, Moderna và AstraZeneca.

Theo đánh giá của Canada, các hãng công nghệ sinh học này đang nắm giữ các loại vắc-xin nhiều triển vọng thành công nhất. Tuy nhiên, chưa một loại nào trong số các vắc-xin này hoàn tất các bước thử nghiệm lâm sàng, hay được phép sử dụng tại Canada.

Cùng ngày, Mexico và Costa Rica đã tuyên bố tham gia sáng kiến COVAX. Sáng kiến này đặt mục tiêu đảm bảo 2 tỷ liều vắc-xin ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả vào cuối năm 2021 và đảm bảo sự phân phối công bằng hơn.

COVAX đang nỗ lực để quyên góp đủ số tiền cần thiết để cung cấp cho 92 nước có thu nhập thấp. Hiện hơn 60 quốc gia giàu có, trong đó có 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), đã cam kết tham gia sáng kiến này.

Costa Rica cho biết đã quyết định tham gia COVAX để có thể được đặt trước hơn 1 triệu liều khi có vắc-xin được phê chuẩn. Số liều này tương đương 20% dân số Costa Rica. Nước này sẽ đóng góp một khoản ban đầu là 6,3 triệu USD vào tháng 10/2020 để đảm bảo quyền được tiếp cận với các loại vắc-xin trong khuôn khổ COVAX.

Đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 70.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 800 ca tử vong. Chính phủ Costa Rica cũng đang theo đuổi cách khác để có nhiều vắc-xin hơn, song không công bố thông tin chi tiết.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson dự kiến sẽ thông báo các khoản đóng góp lớn cho COVAX, đồng thời kêu gọi cải cách cơ quan y tế toàn cầu này cũng như tăng cường hợp tác xuyên biên giới.

Trong bài diễn văn được ghi hình trước để gửi đến Phiên toàn thể Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 75, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đề xuất kế hoạch gồm 5 điểm nhằm cải thiện cách ứng phó quốc tế chống các đại dịch trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh về sự quan trọng của việc cộng đồng quốc tế cần đoàn kết trong nỗ lực ứng phó dịch COVID-19.

Kế hoạch của ông Johnson bao gồm một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, tăng cường năng lực sản xuất vắc-xin, và một thỏa thuận giảm thuế xuất khẩu áp đặt khi bùng phát dịch COVID-19.

Ông Johnson cũng sẽ cam kết một khoản đóng góp ban đầu là 71 triệu bảng Anh (hơn 90 triệu USD) cho cơ chế COVAX để đảm bảo quyền mua 27 triệu liều vắc-xin, và 500 triệu bảng Anh đóng góp cho một sáng kiến khác của COVAX nhằm giúp các nước nghèo tiếp cận với vắc-xin.

Ngoài ra, ông Johnson cũng sẽ thông báo khoản cam kết 340 triệu bảng Anh cho WHO trong 4 năm tới, tức là tăng 30% phần đóng góp trong 4 năm của Anh, trong đó 30% số tiền này sẽ tuỳ thuộc vào việc cải cách WHO./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục