Canada đối mặt với cuộc khủng hoảng già hóa dân số

10:38' - 07/11/2021
BNEWS Cuộc khủng hoảng già hóa dân số đang đến với Canada, trong khi quốc gia này vẫn chưa sẵn sàng ứng phó. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng chi phí cho cuộc khủng già hóa sẽ đè nặng lên nhóm dân số trẻ.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, một báo cáo của Viện Thông tin Y tế Canada (CIHI) tiết lộ rằng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tại Canada trong năm 2020 đã tăng gần 13%, chủ yếu do đại dịch COVID-19.

Báo cáo của CIHI cũng cho biết, trong nhiều năm trước đại dịch, mức chi tiêu này đã tăng với tốc độ  4% hàng năm, cao hơn nhiều so với lạm phát.

Một thập kỷ trước, người cao tuổi chiếm 14% dân số Canada. Ngày nay, con số này là 18% và đến năm 2030 sẽ ở mức khoảng 23%. Đến lúc đó, tất cả những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (những người sinh từ năm 1946 đến năm 1965) sẽ từ 65 tuổi trở lên.

Có một số ý kiến lạc quan đã nhắc lại thời những năm sau Chiến tranh Thế giới II, chính phủ Canada vay nợ nhiều nhưng sau đó đã nhanh chóng đưa ngân sách trở lại trạng thái cân bằng, nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lãi suất thấp.

Nhưng khi đó Canada là một quốc gia với dân số trẻ. Tuổi trung bình của dân số Canada vào năm 1950 là 27,7 tuổi, trong khi năm 2020 là 41,1 tuổi.

Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) cảnh báo hỗ trợ và chăm sóc một số lượng lớn hơn những người cao tuổi sẽ là chủ đề chính của những năm 2020.

Báo cáo của RBC cho biết, tỷ lệ giữa những người trong độ tuổi lao động với nhóm người già và trẻ em, sẽ giảm từ 2,3 năm 2010 xuống 1,7 vào năm 2030. Tất cả các cấp chính quyền sẽ cảm thấy áp lực do cơ sở thuế bị thu hẹp, báo cáo nêu rõ.

Tỷ lệ nợ/GDP của Canada trong năm 2020 đã vọt lên 118%. Với việc chính phủ liên bang và chính quyền tỉnh gia tăng nợ hàng năm, dư địa tài chính sẽ thu hẹp lại.

Gốc rễ của vấn đề là tổng tỷ suất sinh hiện chỉ ở mức 1,4, trong khi năm 1959, con số này là 3,9. Mức độ nhập cư cao làm giảm tác động của quá trình già hóa xã hội, nhưng không thể đảo ngược nó.

Đại dịch COVID-19 bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống chăm sóc người cao tuổi tại Canada. Các viện dưỡng lão dựa vào những nhân viên phải làm việc quá sức, với mức lương thấp.

Áp lực đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe dài hạn sẽ tăng lên khi những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh, già đi.

Trong khi tuổi thọ ngày càng tăng, chất lượng cuộc sống không phải lúc nào cũng tăng theo. Canada có thể phải chứng một một tương lai mà ngày càng có nhiều người già yếu được đưa vào các viện dưỡng lão, nhận được sự chăm sóc không đầy đủ, ngay cả với chi phí không ngừng tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục