Nhà thiết kế Ấn Độ tìm hướng đi bền vững cho ngành thời trang cao cấp

18:43' - 04/11/2021
BNEWS Nhãn hiệu thời trang Doodlage của Kriti Tula đặt ở New Delhi, đi theo cách làm độc đáo là thu thập những mảnh vải bị các nhà máy thải loại vì một số lỗi nhỏ.

Trong bối cảnh các nhãn hiệu thời trang lớn và các đồng nghiệp tìm đường phát triển với những thiết kế sử dụng vải cao cấp, không một lỗi nhỏ từ khâu dệt vải thì một nhà thiết kế thời trang Ấn Độ lại đi theo hướng riêng, tận dụng những mảnh vải bị bỏ đi để gắn lại với nhau thành các bộ đồ thời thượng dành cho khách hàng. Với nhà thiết kế này, đây chính là sự lựa chọn bền vững cho ngành dệt may cao cấp.

Nhãn hiệu thời trang Doodlage của Kriti Tula đặt ở New Delhi, đi theo cách làm độc đáo là thu thập những mảnh vải bị các nhà máy thải loại vì một số lỗi nhỏ.

Sau đó, các mảnh vải được ghép lại với nhau để tạo ra những bộ váy lụa là, áo Sari truyền thống của phụ nữ Ấn Độ và bán với giá 100 USD một bộ.

Tula cho biết thương hiệu được ra đời từ chính những đau đáu của nhà nữ thiết kế thời trang về tình trạng ấm lên toàn cầu và tác động của ngành thời trang đối với môi trường.

Bản thân từng làm việc tại các công ty xuất khẩu dệt may lớn, Tula cho biết cô đã tận mắt chứng kiến những cái giá về môi trường mà ngành thời trang cao cấp đánh đổi: tình trạng lãng phí vải vóc và nguồn nước, các chất thải độc hại từ quy trình sản xuất vải.

Nhà thiết kế chia sẻ "những gì chúng ta mặc dần dần sẽ tác động tới mọi thứ từ những thứ chúng ta ăn đến những thứ chúng ta tiêu dùng và thậm chí là không khí chúng ta thở".

Theo báo cáo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố năm 2019, ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, ước tính có giá trị gần 2.400 tỷ USD, gây ra khoảng 8-10% khí thải carbon, hơn cả lượng khí thải từ tất các chuyến bay quốc tế và các hoạt động vận chuyển hàng hải cộng lại.

Đây cũng là ngành tiêu thụ lượng nước lớn thứ 2 trong tất cả các ngành, với khoảng 20% lượng nước thải trên thế giới là từ ngành thời trang.

Tula chia sẻ việc tìm kiếm những mảnh vải bị bỏ đi trong thời gian đầu không hề đơn giản và giá của những sản phẩm làm ra cũng cao hơn so với mức nhiều người sẵn sàng bỏ ra để mua những bộ quần áo tái chế.

Tuy nhiên, theo thời gian, cửa hàng của cô đã gặp được những người bán hàng rong và những đối tác cùng chung quan điểm.

Ngoài quần áo, giờ Doodlage còn có cả những sản phẩm như đồ chơi bằng vải, túi xách, ví và giấy từ sợi vải bỏ đi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục