Canada góp 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các nước thu nhập thấp

09:19' - 12/06/2021
BNEWS Trong một phát biểu ngày 11/6, ông Ralph Goodale, Cao ủy Canada tại Vương quốc Anh cho biết, Canada sẽ đóng góp 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp.

Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến sẽ đưa ra thông báo này vào ngày 13/6, khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Cornwall, Vương quốc Anh. 

Thông báo của Thủ tướng Trudeau sẽ là một phần trong cam kết của các nhà lãnh đạo G7 về việc cung cấp tổng cộng ít nhất một tỷ liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia khác. Hầu hết các khoản đóng góp của G7 sẽ được gửi tới COVAX, một sáng kiến toàn cầu nằm đảm bảo các nước được tiếp cận công bằng với vaccine.

Mỹ và Vương quốc Anh đã cam kết tài trợ tổng cộng 600 triệu liều vaccine. Mỹ có kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech và tặng phần lớn cho COVAX, phần còn lại sẽ được chuyển đến các quốc gia được chọn trong năm tới.

Vương quốc Anh sẽ đóng góp 100 triệu liều cho COVAX bắt đầu từ tháng 9/2021, bằng cách "chuyển hướng" nguồn cung cấp mà nước này đã đặt hàng nhưng không còn cần nữa.

Phần đóng góp của Canada cho cam kết một tỷ liều vaccine của G7, dự kiến sẽ bao gồm số tiền mà chính phủ Canada đã cam kết với COVAX. Tương tự như Vương quốc Anh, Canada cũng dự định "chuyển hướng" các đợt giao hàng trong tương lai.

Chẳng hạn như, Canada đã đặt hàng 52 triệu liều vaccine Novavax (hiện loại vaccine này vẫn chưa được Bộ Y tế Canada phê duyệt) và theo một nguồn thạo tin, lô vaccine này có thể được gửi đến COVAX.

Cam kết trên của Ottawa dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình tiêm chủng tại Canada. Ottawa đã đặt hàng 252,9 triệu liều vaccine, đủ để tiêm chủng cho một lượng người tương đương ba lần dân số của quốc gia Bắc Mỹ này. Chính phủ Canada đã phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc chia sẻ một phần nguồn cung này cho các nước nghèo hơn.

Cam kết tài trợ vaccine của G7 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức phát triển quốc tế khác hoan nghênh. Tuy nhiên, mức cam kết của G7 được một số tổ chức cho là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Oxfam và một số tổ chức khác đã kêu gọi G7 từ bỏ các quy tắc bảo hộ bằng sáng chế và cam kết chia sẻ công nghệ để giúp thúc đẩy sản xuất vaccine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ việc nới lỏng các quy tắc sở hữu trí tuệ, nhưng Canada và các nước G7 khác tỏ ra kém nhiệt tình hơn. Họ lập luận rằng những trở ngại lớn hơn đối với sản xuất vaccine là các quy tắc xuất khẩu và chuyển giao công nghệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục