Khi công nghệ “tiếp sức” cho vaccine

07:19' - 12/06/2021
BNEWS Nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ trong thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine và đạt những kết quả tích cực.

Trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai ở khắp nơi trên thế giới, công nghệ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, qua đó giúp nhiều người tiếp cận được với vaccine COVID-19 và sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ trong thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine và đạt những kết quả tích cực.

Ở Singapore, công nghệ thực sự đã và đang “tiếp sức” làm tăng hiệu quả sử dụng vaccine. Đằng sau mỗi trung tâm tiêm chủng ở Singapore là một cơ sở hạ tầng ảo rộng lớn, có thể nắm bắt và phân loại từng mũi tiêm vaccine COVID-19 để giúp chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nhất có thể.

Singapore đã xây dựng các giải pháp tích hợp để thu thập và xử lý những khác biệt của dữ liệu. Hệ thống này cũng linh hoạt thay đổi để thích ứng với những trường hợp mới nếu Singapore thay đổi chiến lược tiêm vaccine COVID-19.

Một trong những giải pháp mà Singapore đang áp dụng là phát triển các phần mềm phát hiện lỗi sai. Những phần mềm này có thể phát hiện lỗi khi người khai sai thông tin cá nhân trong quá trình lên lịch tiêm chủng trước khi những thông tin này được nhập vào cơ sở dữ liệu và cần sự khắc phục của con người.

Ngay từ khi Singapore mới triển khai chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 ở giai đoạn đầu hồi tháng 1 vừa qua, Hệ thống thông tin y tế tích hợp Singapore (IHiS) đã xử lý từ 4.000 – 5000 dữ liệu tiêm vaccine mỗi ngày.

Thời gian đó, có khoảng 200 hồ sơ bị khai sai hằng ngày và tất cả lỗi này đều phải sửa bằng tay. Tuy nhiên, nhờ phần mềm liên tục được cải tiến, giờ đây số lượng các trường hợp phải sửa giảm xuống chỉ còn 20 mỗi ngày, trong khi hệ thống của IHiS xử lý tới 50.000 hồ sơ mỗi ngày.

Tại Đan Mạch, công nghệ được tận dụng trong việc thu hút, khuyến khích người dân đi tiêm vaccine. Các nhà nghiên cứu của Đại học Copenhagen Đan Mạch đang thử nghiệm trò chơi có công nghệ thực tế ảo để tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc tiêm chủng.

Người dùng sẽ đeo kính thực tế ảo, đóng vai một người cao tuổi tìm cách đi qua quảng trường đông người. Trong trò chơi này, những người mặc áo đỏ bị mắc COVID-19, trong khi những áo xanh là những người đã tiêm vaccine.   Giáo Robert Bohm của Đại học Copenhagen cho rằng sau khi người chơi tự trải nghiệm trò chơi thực tế ảo, ý định tiêm vaccine của họ sẽ càng được thôi thúc.

Tại Mỹ, một số thành phố và hạt ở nước này, trong đó có Los Angeles, Philadelphia, New Orleans và Newark đang ứng dụng công nghệ phân tích tâm lý nâng cao để giúp xây dựng và mở rộng chương trình tiêm vaccine.

Các thành phố này đã phối hợp với công ty Zencity và Trung tâm Ash thuộc Trường Kenedy của Đại học Havard để nghiên cứu tâm lý người dân khi tiêm vaccine. Thông qua chương trình này, các địa phương của Mỹ sẽ sử dụng công cụ của Zencity nhằm thu thập và phân tích phản hồi của người dân từ các nguồn có sẵn, chẳng hạn như bài đăng trên mạng xã hội, kênh trực tuyến và các trang tin tức địa phương. Sau đó, công cụ này sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân loại và sắp xếp dữ liệu dựa theo các chủ đề, xu hướng, sự bất thường và cảm nhận của người dân.

Các thành phố sẽ nhận được báo cáo của Zencity, trong đó có ý kiến của các nhóm nhân khẩu học khác nhau về vaccine cũng như tâm lý của cộng đồng đối với chương trình tiêm chủng. Bên cạnh đó, báo cáo cũng hiển thị các thông tin sai lệch có thể cần được giải quyết và các khuyến nghị về cách truyền thông vaccine.

Công cụ này được các thành phố ở Mỹ đánh giá cao. Bà Deana Gamble, người đứng đầu bộ phận truyền thông của thành phố Philadelphia cho biết nhờ ứng dụng này, chính quyền thành phố hiểu rằng cần đưa ra thông tin chính xác và cập nhật cho những người vẫn chưa chắc chắn về lợi ích của việc tiêm chủng và cách thực hiện.

Không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, công nghệ còn giúp việc tiếp cận vaccine COVID-19 trở nên công bằng hơn với nhiều nhóm đối tượng. Tại Italy, chính quyền vùng Lombardy đã thông qua việc áp dụng một thuật toán do các nhà khoa học phát triển nhằm quyết định xem những đối tượng nào được ưu tiên tiêm chủng vaccine COVID – 19.

Một nhóm các nhà khoa học của Đại học Bicocca ở thành phố Milan đã phát triển thuật toán nhằm chấm dứt những tranh cãi về việc nhóm nào sẽ được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trước. Các nhà nghiên cứu đã chia các bệnh nhân chịu tác động tồi tệ nhất do COVID – 19 thành cách nhóm dựa theo độ tuổi, tiền sử dịch tễ và nhiều yếu tố khác.

Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia của Đại học Bicocca cũng đã xác định 34 tình trạng và căn bệnh có thể gia tăng nguy cơ khi mắc COVID-19, trong đó có những bệnh như tiểu đường, tim mạch, thiếu máu và các các bệnh ung thư máu.

Giáo sư Giovanni Corrao của Đại học Bicocca nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng bằng cách tiêm vaccine cho những người có nguy cơ cao nhất, chúng ta có thể tránh được hàng trăm ca phải đặt nội khí quản và tử vong ở Lombardy và trên toàn Italy”.  Hiện Bộ Y tế Italy cũng đang xem xét khuyến nghị sử dụng công nghệ này trên toàn quốc.

Nếu coi vaccine là vũ khí lợi hại để con người chống lại virus SARS-CoV-2, thì những dẫn chứng cụ thể nêu trên cho thấy công nghệ, bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể tăng thêm sức mạnh và hiệu quả của loại vũ khí này, nhờ đó giúp con người sớm “cán đích” miễn dịch cộng đồng./. 

>>> Chìa khóa mở kho vaccine thế giới

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục