Canada phản đối đề xuất của Mỹ thay thế NAFTA bằng FTA song phương

11:46' - 07/06/2018
BNEWS Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bác đề xuất của Mỹ về việc hủy bỏ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và thay bằng một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) song phương.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: THX/TTXVN

Trả lời báo giới, Thủ tướng Trudeau nói: “Chúng tôi đã nhiều lần nghe Tổng thống Mỹ (Donald Trump) nói về những suy nghĩ hay sự quan tâm về một thỏa thuận song phương thay vì NAFTA 3 bên.

Ottawa luôn giữ vững lập trường, đó là một cách tiếp cận 3 bên sẽ tốt hơn cho cả Canada, Mexico và Mỹ”.

Theo nhà lãnh đạo Canada, việc thể hiện và chứng tỏ sức mạnh của NAFTA như "một cộng đồng vững chắc" là lợi thế của cả 3 nước trên trường quốc tế. Do đó, Ottawa sẽ tiếp tục đàm phán theo hướng đi này.

Thủ tướng Trudeau cũng cho biết nhiều khả năng ông sẽ có những cuộc đối thoại “thẳng thắn và đôi lúc khó khăn” với Tổng thống Trump về vấn đề thuế quan tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra trong các ngày 8 - 9/6 tới ở Canada.

Tuyên bố của Thủ tướng Canada được đưa ra sau khi Tổng thống Trump tuyên bố không phản đối các thỏa thuận thương mại riêng rẽ với Canada và Mexico.

Tiếp đó hôm 5/6, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ, ông Larry Kudlow cũng cho biết Tổng thống Trump đang cân nhắc nghiêm túc về việc hướng tới các thỏa thuận song phương, thay vì các cuộc đàm phán sửa đổi NAFTA như hiện nay.

Theo ông Kudlow, Tổng thống Trump tin rằng thỏa thuận song phương luôn tốt hơn các hiệp định lớn, do đó ông chủ Nhà Trắng có thể nhanh chóng tiến tới các cuộc thảo luận song phương thay vì đa phương.

NAFTA đã được hình thành và hoạt động trong suốt gần 25 năm qua. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng hiệp định này là một "trò lừa bịp" với ngành công nghiệp Mỹ và yêu cầu tái đàm phán nhằm hiện đại hóa NAFTA. Sau 7 vòng đàm phán, cho tới nay tiến trình đàm phán sửa đổi NAFTA vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng, chủ yếu do những yêu cầu khó chấp nhận từ phía Mỹ.

Song song với đó, Chính phủ Mỹ cũng theo đuổi nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất nội địa với lý do đảm bảo an ninh quốc gia.

Từ ngày 1/6 vừa qua, Mỹ đã áp mức thuế nhập khẩu thép 25% và nhôm 10% với các sản phẩm nhập từ Liên minh châu Âu (EU) và hai đối tác còn lại trong NAFTA.

Giới quan sát nhận định căng thẳng thương mại liên quan tới vấn đề thuế nhôm và thép giữa Mexico, Canada và Mỹ có thể đe dọa tới tiến trình đàm phán sửa đổi NAFTA./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục