Canada sắp có loạt biện pháp chống tham nhũng

09:56' - 22/04/2019
BNEWS Canada có một số biện pháp chống tham nhũng dự kiến sẽ đi vào hiệu lực trong tháng Sáu tới.

Canada từng bị Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và nhiều thể chế khác đánh giá là "chậm chân" trong việc triển khai các chính sách chống tham nhũng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Canada đã nỗ lực khắc phục, với một số biện pháp dự kiến sẽ đi vào hiệu lực trong tháng Sáu tới. 

Một trong những biện pháp đó là yêu cầu doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu lợi ích, để các nhà điều tra có thể theo dõi tốt hơn dòng tiền và tìm ra đối tượng hưởng lợi từ hành vi hối lộ, rửa tiền và các hoạt động phi pháp khác.

Các doanh nghiệp phải tiết lộ người đang nắm quyền kiểm soát lớn (hơn 25% cổ phần) doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ các cơ quan chức năng mới được tiếp cận thông tin này, trong khi ở Anh hay EU, thông tin này được công khai.

Theo tính toán của Liên hợp quốc, hoạt động tham nhũng trên quy mô toàn cầu có thể gây tổn thất ít nhất 2.600 tỷ USD, tương đương 5% GDP của thế giới.

Đáng chú ý, nhiều quy định mang tính bảo vệ bí mật doanh nghiệp của Canada - yếu tố hậu thuẫn cho tình trạng tham nhũng trên quy mô toàn cầu - bị giới chuyên gia chỉ trích là được Ottawa tháo gỡ khá chậm chạp.

Năm 2018, Chính phủ Canada đã đưa vào thực thi Thỏa thuận hoãn truy tố (DPA), cho phép các doanh nghiệp được nộp phạt thay vì phải ra hầu tòa.

Tuy nhiên, DPA đang thổi bùng lên những cuộc tranh luận tại Canada sau khi một số quan chức cấp cao bị cựu Tổng chưởng lý Jody Wilson-Raybould tố cáo là đã gây sức ép muốn bà trao DPA cho SNC-Lavalin – tập đoàn bị cáo buộc hối lộ các quan chức Libya để đổi lấy các hợp đồng của chính phủ nước này.

Trong khuôn khổ DPA, SNC sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì đã làm sai và chịu mức phạt về tài chính, đồng thời cam kết củng cố các tiêu chuẩn về đạo đức doanh nghiệp và tuân thủ luật pháp. Hồi tháng 9/2018, người đứng đầu Cơ quan công tố Canada đã không trao DPA cho SNC-Lavalin.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục