Căng thẳng "cuộc đua" phát triển điện gió trên toàn cầu

06:30' - 19/03/2023
BNEWS Khu vực ngoài khơi bờ biển Tasman giữa Australia và New Zealand sẽ trở thành điểm đến của các nhà đầu tư phát triển điện gió lớn trên thế giới.

Các nhà điều hành ngành điện gió nhận định, động thái của New Zealand trong việc khởi động ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi sẽ làm giảm bớt nguy cơ chậm tiến độ đối với các dự án điện gió ở Australia vì các nhà cung cấp sẽ tập trung ưu tiên hơn vào khu vực này.

Các bang của Australia, nổi bật là bang Victoria, đã đưa vấn đề sản xuất năng lượng gió ngoài khơi vào trọng tâm của kế hoạch loại bỏ than đá của mình. Tuy nhiên, mục tiêu của họ đang bị đe dọa khi cuộc đua giành nguồn lực cho việc phát triển ngành công nghiệp này đang diễn ra căng thẳng, đặc biệt là ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu đạt 30 GW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030, qua đó đưa nguồn năng lượng không phát thải trở thành trọng tâm trong kế hoạch hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu và khử carbon đối với lĩnh vực sản xuất điện.

Trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt này, New Zealand cũng đã chuyển hướng sang phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi cho riêng mình. Nước này sẽ hoàn tất quá trình lấy ý kiến tham vấn từ công chúng vào tháng 4/2023 nhằm xây dựng các quy định pháp lý trong việc quản lý lĩnh vực năng lượng tái tạo ở nước này vào năm 2024.

Một số công ty lớn trong ngành điện gió đã công bố ý định đầu tư vào New Zealand, trong đó nổi lên là Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch), sẽ hợp tác với quỹ đầu tư quốc gia New Zealand Super, công ty năng lượng OceanEx (Australia) và Bluefloat (Tây Ban Nha) trong triển khai các dự án điện gió ở New Zealand.

Các công ty khác cũng đang dự kiến theo chân các công ty trên, điều này khuyến khích các nhà cung cấp ưu tiên vận chuyển nguồn lực đến khu vực.

Một giám đốc điều hành trong ngành điện gió cho biết: “Tất cả những ông lớn chưa chiếm được vị trí của mình ở bang Victoria sẽ chuyển hướng sang bang New South Wales, bang Tây Australia và sau đó là New Zealand. Điều này thực sự hữu ích cho chúng tôi vì sẽ thu hút sự chú ý của các nhà cung cấp vào Australia và New Zealand thay vì các thị trường khác.”

Việc New Zealand tham gia khai thác năng lượng gió ngoài khơi diễn ra trong bối cảnh Australia ngày càng lo ngại về tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án ở nước này.

Ông Charles Rattray, Giám đốc điều hành dự án điện gió Star of the South ở Australia, dự án đang trên lộ trình trở thành công ty phát triển năng lượng gió ngoài khơi đầu tiên của Australia, năm ngoái cho biết, Australia có nguy cơ thua thiệt hơn so với các thị trường đối thủ nếu gặp phải bất kỳ sự chậm trễ nào.

Sự trì hoãn đối với dự án Star of the South sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với bang Victoria. Để đạt được mục tiêu điện gió của bang Victoria là đáp ứng 20% nhu cầu năng lượng vào cuối thập kỷ này, dự án Star of the South cần được Copenhagen Infrastructure Partners và siêu quỹ Cbus hỗ trợ, để có thể đi vào hoạt động theo đúng lịch trình vào năm 2028.

Hồi năm ngoái, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cho biết, bang này đang đặt mục tiêu điện gió ngoài khơi có thể đáp ứng tương đương khoảng 20% nhu cầu năng lượng của bang trong vòng 10 năm tới. Mục tiêu trên sẽ được điều chỉnh tăng cao hơn lên 4 GW vào năm 2035 và 9 GW vào năm 2040 nhằm giúp đẩy nhanh hơn quá trình từ bỏ điện than.

Mục tiêu trên đã thu hút nhiều công ty lớn trên toàn cầu quan tâm giành cơ hội đầu tư ở vùng Gippsland, phía Đông Nam bang Victoria. Các công ty như Orsted, Shell, EDP Renewables và ENGIE nằm trong số hơn 20 nhà phát triển điện gió đang cạnh tranh để được cấp phép tại đây.

“Gã khổng lồ” về năng lượng tái tạo của Đan Mạch, Orsted đang khảo sát hai khu vực được cấp phép quanh vùng Gippsland nhằm thực hiện kế hoạch phát triển năng lực điện gió với công suất 5 GW ngoài khơi bờ biển bang Victoria. Đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của công ty trong việc thâm nhập sâu vào ngành công nghiệp đang còn non trẻ của Australia.

Quá trình được gọi là “cấp phép khả thi” đối với các dự án sẽ kết thúc vào ngày 27/4 tới. Nếu được cấp phép, các dự án sẽ độc quyền sử dụng một phần của khu vực này trong vòng 7 năm, đây là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư.

Các cơ quan quản lý không nêu rõ có bao nhiêu giấy phép dự kiến sẽ được cấp. Việc đưa ra quyết định cuối cùng đối với một đơn cấp phép có thể mất tới 90 ngày.

Mặc dù còn tồn tại một số rào cản pháp lý, Chính phủ bang Victoria vào cuối tuần trước đã có động thái thể hiện quyết tâm của mình khi ban hành một văn bản chính sách, trong đó nêu chi tiết cách thức mà Chính phủ bang này sẽ giải quyết vấn đề tìm nguồn cung ứng (nguyên liệu và dịch vụ) cũng như xử lý vấn đề truyền dẫn.

Vào năm 2025, bang Victoria sẽ khởi động tiến trình mua 2 GW điện cho đến năm 2032 thông qua một hợp đồng và chính quyền bang cho biết họ cũng có thể đóng góp thêm vốn và hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển.

Theo văn bản trên, Chính quyền bang Victoria cũng cho biết VicGrid - một cơ quan quản lý năng lượng tái tạo do Chính quyền bang thành lập -  sẽ bắt đầu tham vấn cộng đồng trong vòng vài tuần để thống nhất các đường truyền tải điện, trong đó đặt mục tiêu công bố các đầu kết nối vào cuối năm 2023. Chính quyền bang Victoria cũng có ý định sẽ kích hoạt đường truyền công suất 2,5 GW ở vùng Gippsland và Portland của bang.

Các nhà phát triển điện gió bày tỏ sự ủng hộ trước những thông tin chi tiết nêu trong văn bản của Chính quyền bang Victoria. Ông Andy Evans, Giám đốc điều hành của OceanEx, nhà sáng lập dự án Star of the South, cho biết: “Văn bản cho thấy ý định rõ ràng của Chính phủ bang Victoria là dẫn đầu về năng lượng gió ngoài khơi. Trong khi Chính phủ liên bang Australia chuẩn bị 'cấp phép khả thi' đối với khu vực Gippsland vào cuối năm 2023, sẽ phát sinh việc chi tiêu rất nhiều kể từ thời điểm này. Do đó, vấn đề then chốt là cần đảm bảo kế hoạch triển khai chắc chắn và hy vọng rằng tiến trình mua sắm các trang thiết bị sẽ được triển khai hiệu quả trước mốc thời gian vào năm 2025 như đã nêu”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục