Căng thẳng Nga-Ukraine khiến các nhà sản xuất nickel lao đao

06:00' - 19/03/2022
BNEWS Sau khi phá vỡ kỷ lục về giá và bị đình chỉ niêm yết ở London, kim loại nickel đã được các nhà sản xuất, thị trường tài chính và các nước sản xuất để mắt dõi theo hàng ngày.

Báo Liberation ngày 15/3 có bài viết "Căng thẳng Nga-Ukraine: Từ New Caledonia đến Siberia, lĩnh vực nickel mất thần kinh thép", trong đó nhận định sau khi phá vỡ kỷ lục về giá và bị đình chỉ niêm yết ở London, kim loại nickel đã được các nhà sản xuất, thị trường tài chính và các nước sản xuất để mắt dõi theo hàng ngày. 

Trong xu hướng giá các nguyên liệu thô liên tục phá vỡ kỷ lục trong những tuần gần đây, nickel không phải là ngoại lệ. Giá của kim loại này đã thực sự bùng nổ ở mức hơn 100.000 USD/tấn vào đầu tuần trước, dẫn đến việc đình chỉ giao dịch, khiến các công ty công nghiệp lo lắng và gây hoảng loạn cho một công ty lớn ở Trung Quốc.

Phiên 17/3, giá nickel giảm xuống 41.495 USD/tấn, khi các nhà giao dịch bán ra ngay sau khi thị trường mở cửa.

Nickel không chỉ đứng ở vị trí thứ 28 trong bảng tuần hoàn Mendeleïev, mà còn là kim loại quen thuộc được nhắc tới trong các giờ học vật lý và hóa học, đồng thời cũng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày mà tất cả mọi người đều nhìn thấy.

Được sử dụng để sản xuất một số đồng tiền xu hoặc để bảo trì máy bay, kim loại này trước hết là một thành phần tất yếu của thép không gỉ, được tìm thấy cả trong cấu trúc của Tòa nhà Empire State ở New York và trong các nhà máy điện hạt nhân cũng như tuabin thủy điện. 

Nickel cũng được sử dụng rất nhiều cho pin ô tô điện. Trong khi Tesla sử dụng pin LFP (lithium, sắt, phốt phát) cần 7% nickel, nhiều thương hiệu khác lại sử dụng nickel là chủ yếu, đặc biệt là công nghệ NCA (nickel, cobalt, nhôm) và NCM (nickel, cobalt. mangan), đòi hỏi lần lượt 80% và 33% nickel.

Với vai trò như vậy, nickel đã phải trải qua những "sóng gió dữ dội" thời gian gần đây. Căng thẳng ở Ukraine một lần nữa là "chất xúc tác" cho giá cả leo thang, vốn vừa bắt đầu chỉ vài tháng trước do sự bùng nổ nhu cầu hậu COVID-19. 

Nhà máy Pobuzhsky Ferronickel ở phía Tây Nam Ukraine, đã đóng cửa kể từ khi bắt đầu xung đột, là một trong 4 nhà sản xuất ferronickel dùng cho thép không gỉ ở châu Âu. Chưa kể đến việc cảng Odessa cũng không còn khả năng tiếp nhận bất cứ tàu thuyền nào, khiến hàng tồn kho không thể xuất khẩu ra bên ngoài theo tuyến hàng hải đi qua Biển Đen.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi Nga, nhà sản xuất nickel lớn thứ ba thế giới (với 11% tổng sản lượng) và đứng thứ hai thế giới về nickel tinh chế, đang khiến thị trường lo lắng. Các nhà công nghiệp châu Âu lo ngại rằng tác động của các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến loại nguyên liệu thiết yếu này, bởi có tới 37% nickel của Nga được xuất khẩu sang Hà Lan và 16% sang Đức. 

Theo ước tính của công ty tư vấn Capital Economics, các lệnh trừng phạt từ phương Tây có thể tác động đến 7% thị trường nickel tinh chế toàn cầu. Nornickel, một trong những công ty nhà nước Nga, là công ty có sản lượng nickel cao nhất thế giới trong năm 2020, đạt mốc 236.000 tấn so với con số 215.000 tấn của tập đoàn Vale của Brazil.

Đứng đầu công ty khai thác này là đại gia Vladimir Potanin, người có tài sản ước tính khoảng 27 tỷ USD, một tên tuổi nổi tiếng trong thế giới nghệ thuật, đặc biệt là ở Pháp, vì đã cung cấp 250 tác phẩm của Nga cho Trung tâm Pompidou. Ông Potanin đang tỏ ra rất quan ngại trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây cũng như chính sách kinh tế của đất nước mình. 

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông đang nghĩ tới phương án tịch thu tài sản của các công ty nước ngoài vừa tháo chạy khỏi Nga, ngày 9/3, ông Potanin không ngại phát biểu quan điểm của mình: "Tôi muốn kêu gọi một cách tiếp cận rất thận trọng về việc tịch thu tài sản của các công ty đã tuyên bố rút khỏi thị trường Nga. Hành động này sẽ khiến chúng ta thụt lùi 100 năm, về tận đến năm 1917. Hậu quả của một biện pháp như vậy sẽ đeo bám chúng ta trong nhiều thập kỷ".

Ngày 7/3, Sở giao dịch Kim loại London đã quyết định hủy tất cả các giao dịch diễn ra trong ngày 8/3 trước khi tạm ngừng. Sau các mức giá từ 8.715 USD/tấn cách đây 5 năm và 15.839 USD/tấn cách đây một năm, các sàn giao dịch đã rơi vào hoảng loạn cách đây một tuần, với mức "giá trên trời" 100.000 USD/tấn. Sở giao dịch Kim loại London đã quyết định "stop" cho đến ít nhất là tuần tới và đã điều chỉnh lại giá về ngưỡng khoảng 48.000 USD/tấn.

Đối với nhiều người tham gia thị trường, những người đang đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với Sở giao dịch Kim loại London, nơi này đã làm như vậy để bảo vệ một "gã khổng lồ" nguyên liệu thô. Theo Wall Street Journal, nhà sản xuất thép không gỉ của Trung Quốc Tsingshan Holding đã thực sự mất 8 tỷ USD do đặt cược sai vào sự sụt giảm của giá nickel. Thất bại của Tsingshan Holding sẽ làm tăng thêm nỗi sợ hãi của thị trường.

Giá nickel cao ngất ngưởng cũng tác động rất nhiều đến nước Pháp. Ngoài các nhà công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô buộc phải sử dụng nickel theo mọi cách, vùng lãnh thổ New Caledonia cũng theo dõi các biến động hàng ngày của nguyên liệu thô này. 

Giá nickel biến động sẽ tác động mạnh đến nhà sản xuất lớn thứ 5 thế giới và ba nhà sản xuất nickel trên quần đảo, gồm Eramet, Glencore và Trafigura. 

Do đó, có ý kiến cho rằng châu Âu nên chuyển sản xuất đến New Caledonia để bù đắp nguồn nickel bị thiếu từ Nga. Đây có thể là một minh họa về thế giới công nghiệp đang được định hình lại trong bối cảnh cấp bách của những căng thẳng địa chính trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục