Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Qatar điều tra âm mưu thao túng đồng nội tệ

11:28' - 13/11/2017
BNEWS Ngày 12/11, một người phát ngôn Chính phủ Qatar cho biết Doha đang điều tra một âm mưu thao túng đồng tiền của nước này trong những tuần đầu tiên bùng phát cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.
Hàng hóa được bày bán tại chợ ở Doha, Qatar, ngày 10/6. AFP/TTXVN

Giám đốc Văn phòng truyền thông của Chính phủ Qatar, ông Saif al-Thani cho biết một tổ chức tài chính quốc tế có một phần thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã được chỉ thị ngăn chặn các giao dịch bằng đồng riyal của Qatar tại các thị trường châu Âu và châu Á trong thời gian đầu diễn ra cuộc khủng hoảng Vùng vịnh hồi tháng 6 vừa qua.

Ông Saif al-Thani nhấn mạnh nếu sự việc này được xác minh thì đây sẽ là mối nguy không chỉ với Qatar mà còn với cả thế giới. Hiện cơ quan mật vụ Qatar đang điều tra vụ việc và phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành pháp để đảm bảo thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý cần thiết.

Theo ông Al-Thani, Qatar đã "để mắt" tới vấn đề tiền tệ nói trên từ tháng 7 vừa qua, nhưng chỉ lật lại vụ việc sau khi các thông tin liên quan được giới truyền thông tiết lộ.

Trong tuần qua, trang mạng The Intercept có trụ sở tại Mỹ chuyên về điều tra đưa tin UAE có ý định "phát động một cuộc chiến tranh tài chính" nhằm vào Doha. Cụ thể, trang mạng này cho biết các thư điện tử của Đại sứ Qatar tại Washington, Yousef al-Otaiba, bị rò rỉ cho thấy ý đồ tấn công nhằm vào đồng riyal thông qua các hoạt động thao túng trái phiếu và các công cụ tài chính đã được lên kế hoạch tỉ mỉ, với mục đích làm xáo trộn nền kinh tế Qatar, buộc quốc gia này phải từ bỏ quyền đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2022. Qatar là quốc gia Arab đầu tiên được lựa chọn đăng cai Worl Cup. Doha đã triển khai nhiều dự án xây dựng quy mô lớn nhằm phục vụ cho ngày hội bóng đá toàn cầu.

Tuyên bố trên là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát từ đầu tháng 6, trong đó các quốc gia láng giềng gồm UAE, Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao, phong tỏa Qatar cả về kinh tế và chính trị, với cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố. Chính phủ Qatar bác bỏ cáo buộc này. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia vùng Vịnh và cho đến nay vẫn chưa có lối thoát do các bên không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ.

Nhóm 4 nước Arab nói trên đưa ra yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc yêu cầu Doha đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Doha đã thẳng thừng từ chối, cho rằng những yêu cầu này là "phi thực tế, không hợp lý và không thể chấp nhận được"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục