Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu “dịu bớt”

12:22' - 11/04/2018
BNEWS Trong tuyên bố ngày 10/4, bà Sanders nhấn mạnh chính sách thuế của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Bắc Kinh có hành động cụ thể.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/4 bày tỏ vui mừng trước những “từ ngữ tốt đẹp” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời tỏ ý lạc quan về triển vọng giải quyết những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong lúc Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói những cam kết của ông Tập Cận Bình về mở cửa thị trường và giảm hàng rào thuế quan là "rất khích lệ", song Nhà Trắng muốn Bắc Kinh có những kế hoạch và hành động cụ thể để giải quyết các hoạt động thương mại không công bằng, thay vì chỉ là những lời nói.

Trong tuyên bố ngày 10/4, bà Sanders nhấn mạnh chính sách thuế của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Bắc Kinh có hành động cụ thể.

Trước đó trong cùng ngày, tại lễ khai mạc chính thức Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định trong năm 2018 Trung Quốc sẽ tiến hành một loạt biện pháp mang tính dấu mốc như: nới lỏng việc thâm nhập thị trường, đẩy nhanh tiến trình mở cửa ngành bảo hiểm, nới lỏng các hạn chế về vốn đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, mở rộng hợp tác giữa Trung Quốc với nước ngoài trong thị trường tài chính, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh nhập khẩu.

Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tiếp tục mở cửa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và hạ thuế đánh vào các hàng nhập khẩu, trong đó có ô tô. Bắc Kinh cũng cam kết sẽ nới lỏng hạn chế tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất ô tô, đóng tàu và hàng không sớm nhất có thể.

Hiện tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc bị hạn chế ở mức 50% và họ không được quyền thành lập cùng toàn quyền sở hữu bất cứ nhà máy nào.

Những dấu hiệu “xuống thang căng thẳng” này đã giúp xóa đi phần nào nỗi lo ngại về khả năng các động thái trả đũa thương mại giữa hai nước có thể trở thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, từ đó ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu.

Giới phân tích nhận định những tuyên bố trên của ông Tập Cận Bình, mặc dù không mới và không cụ thể, trong đó không đề cập trực tiếp tranh cãi thương mại với Mỹ, song có thể làm dịu những quan ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên quan đến chính sách thuế đối đầu gần đây giữa hai nước.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tỏ ra thận trọng rằng bất cứ sự nhượng bộ nào của Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô, dù đáng hoan nghênh, cũng không hoàn toàn là động thái mới do kế hoạch mở cửa lĩnh vực này đã được đề ra thậm chí từ trước khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Bài phát biểu của Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng chưa đưa ra bất cứ biện pháp cụ thể nào để hiện thực hóa các cam kết trên.

Bên cạnh đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn chưa tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào kể từ khi kế hoạch áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Trump được công bố.

Hồi giữa tháng Ba, chính quyền Mỹ đã thông báo quyết định tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc để đòi lại sự công bằng trong hoạt động thương mại giữa hai nước. Mỹ cho rằng Washington đang chịu thua thiệt do Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty và doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ.

Đáp trả lại động thái này, Trung Quốc đã công bố danh sách các sản phẩm có tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, bao gồm có đậu tương, xe ô tô và hóa phẩm. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Tuy vậy, hiện chưa có bất kỳ biện pháp thuế nào có hiệu lực và hai quốc gia này vẫn còn thời gian để tiến hành các cuộc đàm phán.

>>> Danh sách áp thuế của Mỹ và Trung Quốc "bỏ qua" nhiều sản phẩm then chốt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục