Cảnh báo dịch hại có thể xảy ra trên ruộng lúa năm 2019

16:39' - 01/04/2019
BNEWS Tại An Giang vẫn còn nhiều trà lúa cùng một tiểu vùng là cầu nối cho các đối tượng sâu, bệnh hại lưu tồn và bộc phát gây hại cho các vụ sản xuất tiếp theo.

Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã khuyến cáo các giống lúa như: Om4218, IR50404, Jasmine 85, Om2514, OM5451, OM6073, nàng hoa 9, Đài thơm 9, RVT... nhiễm sâu, bệnh khiến nguy cơ lớn dịch hại bộc phát ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
Trước nguy cơ dịch hại bộc phát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã đưa ra cảnh báo dịch hại có thể xảy ra trên ruộng lúa trong năm 2019.

Vì thế, bệnh rầy nâu sẽ tiếp tục là đối tượng gây hại quan trọng trên lúa, đặc biệt có khả năng gây hại nặng trên các giống nhiễm rầy nặng như: ĐS1, OM5451, OM4218, IR5054, RVT, Đài thơm 8... với mức độ gây hại dự báo từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng nếu nông dân không phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng chống kịp thời.
Bên cạnh đó, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có khả năng phát sinh tiềm ẩn và lây lan do rầy nâu di trú vẫn có mang virus gây bệnh...

Dự báo, mùa mưa sắp đến, trong điều kiện thời tiết có mưa, trời âm u, sương mù, ẩm độ cao, trên những ruộng lúa sạ dày, bón phân thừa đạm, các trà lúa xuống không theo lịch thời vụ như: xuống giống sớm và muộn... khiến muỗi hành có khả năng xuất hiện và gây hại cho ruộng lúa ở mức độ nhiễm nhẹ đến trung bình, cục bộ có thể nhiễm nặng trên các giống nhiễm như: nếp Thái mỡ, Jasmine 85, OM6976, ĐS1...
Khoảng tháng 3 đến tháng 6/2019, trong điều kiện thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, rầy phấn trắng và nhện gié có khả năng gây hại cục bộ nặng trên trà lúa xuống giống muộn; khoảng từ tháng 6 đến tháng 10/2019, trong điều kiện môi trường có ẩm độ cao như mưa giông, bão kéo dài nhiều ngày, bệnh cháy bìa lá sẽ phát triển mạnh và nặng, bệnh có khả năng gây hại từ nhẹ đến nặng xuất hiện trên lúa giai đoạn làm đồng đến trổ đều và ngập sữa, trên các giống nhiễm như: OM6976, OM 4900; Jasmine 85, OM4218....
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng khuyến cáo bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông và lem lép hạt cũng có khả năng phát sinh và gây hại mạnh trên các ruộng sử dụng giống nhiễm bệnh, gieo sạ dày, bón thừa đạm... trong điều kiện thời tiết lạnh, ban ngày trời âm u, đêm và sáng sớm có sương mù hoặc là trời có mưa nắng xen nhau...
Bệnh vàng lá (vàng lá chín sớm) có thể phát sinh, bệnh gây hại nặng ở những ruộng lúa sạ dày lại bón quá nhiều phân đạm, trên các giống nếp, giống lúa thơm trong điều kiện biên độ nhiệt chênh lệch lớn giữa ngày và đêm. Do đó, khuyến cáo nông dân cần chú ý đến sâu đục thân, bệnh đốm vằn... gây hại cục bộ để áp dụng các biện pháp quản lý và phòng trị kịp thời....
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng, Chi Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho rằng, trên cơ sở dự báo tình hình thời tiết, khí tượng thuỷ văn, các địa phương cần xây dựng kế hoạch xuống giống lúa, nếp phù hợp với khung lịch thời vụ chung của tỉnh, đảm bảo xuống giống tập trung và xuống giống né rầy, né hạn đầu vụ; đẩy nhanh tiến độ xuống giống và tuân thủ không xuống giống quá 2 tháng/vụ và trên cùng 1 tiểu vùng xuống giống không kéo dài quá 10 ngày....
Ông Nguyễn Văn Hiền cũng cho rằng, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần thực hiện ra soát lại các vùng có năng suất lúa thấp so với mặt bằng có năng suất chung của tỉnh để có giải pháp tập trung ưu tiên đầu tư cải tạo đất, thuỷ lợi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các vùng.
Cùng đó, vận động nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật như chương trình “Ba giảm, Ba tăng”; “Một phải Năm giảm”; trong đó, chú ý đến lượng giống gieo sạ từ 80-100 kh/ha; áp dụng công nghệ sinh thái, tưới tiết kiệm nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả...
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Thời gian tới, Đoàn công tác phòng, chống dịch hại trên lúa của tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện dịch bệnh và hướng dẫn nông dân xử lý kịp thời các đối tượng dịch hại có nguy cơ gây ảnh hưởng đến năng suất lúa, đặc biệt là các bệnh: rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, muỗi hành, dịch hại khác và hạn mặn đầu vụ.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, năm 2019, An Giang phấn đấu tổng diện tích lúa gieo trồng là 620 nghìn ha, giảm 3 ha so với cùng kỳ năm 2018 với năng suất trung bình cả năm đạt 6,38 tấn/ha, tăng 0,8 tấn/ha so với cùng kỳ; sản lượng đạt hơn 3,9 triệu tấn, tăng 30 ngàn tấn so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý, vụ Đông Xuân với tổng diện tích gieo trồng là 233 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 1,735 triệu tấn, tăng 8,2 ngàn tấn so với cùng kỳ. Vụ Hè Thu phấn đấu tổng diện tích lúa gieo trồng là hơn 230 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 1,3 triệu tấn, tăng 24,3 ngàn tấn so với cùng kỳ. Riêng vụ Thu Đông, tỉnh An Giang sẽ có tổng diện tích gieo trồng là hơn 152 nghìn ha, sản lượng đạt gần 908 nghìn tấn, giảm 13 ngàn tấn so với cùng kỳ.
Cũng theo ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2018, diện tích gieo trồng lúa của tỉnh An Giang đạt 623 nghìn ha, giảm 18 ngàn ha so với cùng kỳ 2017; năng suất bình quân cả năm đạt 6,3 tấn/ha, tăng 0,25 tấn/ha so với cùng kỳ; sản lượng đạt hơn 3,9 triệu tấn, tăng 47 nghìn tấn.../.
>>> Vĩnh Phúc phòng trừ sâu bệnh và chống hạn cho lúa Xuân

>>> Hà Nam chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục