Nông nghiệp thông minh – Bài 1: Những mô hình canh tác hiện đại

10:03' - 31/03/2019
BNEWS Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phát triển các mô hình thông minh trong nông nghiệp để từ đó, giúp nông dân, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Những năm qua, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng gặp khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa như tác động xấu của biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao...

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phát triển các mô hình thông minh trong nông nghiệp để từ đó, giúp nông dân, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ.

Bài 1: Những mô hình canh tác

Theo ông Lê Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holding JSC, mô hình canh tác lúa thông minh mà Tập đoàn đang triển khai nhiều nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long là quản lý, kiểm soát được nguồn nước bằng các hệ thống phao và điểm quan trắc nước thông minh. Đồng thời, sử dụng hệ thống bơm tưới thông minh bằng việc điều khiển từ xa qua mạng internet.

Việc bón phân trong canh tác lúa thông minh được sử dụng loại phân bón thông minh để giảm thất thoát. Loại phân bón này được cấu tạo từ 5 thành phần là dưỡng chất cho cây, chất điều hòa tăng trưởng, dưỡng chất cho vi sinh, bào tử và vi sinh cùng vỏ nano polymer. Loại phân bón này chỉ bón một lần trong suốt vụ lúa và sẽ tan từ từ theo sinh trưởng của lúa.

Theo đó, sẽ giảm được 40% lượng phân đạm, giảm 75% công bón phân, giảm 40% phát thải khí nhà kính khi kết hợp với canh tác ngập xen kẽ.

Do đó, mô hình canh tác lúa thông minh giảm được trên 30% lượng nước tưới; giảm công, giảm giống, giảm sâu bệnh mỗi thứ trên 50%; giảm lượng phân bón, giảm khí nhà kính mỗi thứ trên 40%; cũng như giảm tác động do xâm nhập mặn; đồng thời, tăng lợi nhuận gần 20% so canh tác lúa thông thường.

Về ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang hỏi nhà ông Võ Văn Trưng, trồng dưa lưới trong nhà kính trên nền đất ruộng thì ai cũng biết. Ông Trưng là người đầu tiên từ bỏ trồng lúa để làm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nơi đây.

Với diện tích 0,5ha, ông Trưng lắp đặt khung sắt tiền chế khá khang trang, làm nhà kính được che chắn bởi các tấm lưới, mái che phủ bạt nilông trắng dày có chiều cao tầm 5m và cùng với đó là hệ thống cửa ra vào ngăn chặn côn trùng xâm nhập.

Ông Trưng cho biết, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính được triển khai thực hiện từ tháng 10/2015. Lúc đó, ông đầu tư 700 triệu đồng để cải tạo đất, làm nhà kính và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, với diện tích 2.000m2.

Sau nhiều vụ dưa liên tiếp bội thu, đến nay ông Trưng đã mở rộng thêm diện tích 3.000m2 nhà kính để trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Ước tổng chi phí đầu tư gần 2 tỷ đồng.

Theo ông Trưng, trồng dưa lưới trong nhà kính cho trái tròn đều, tỷ lệ đạt loại 1 trên 90% và có chưa tới 3% tỷ lệ hao hụt.

Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn, tối đa 70 ngày nên có thể canh tác được 4 vụ/năm. Bình quân mỗi vụ, ông Trưng thu lợi nhuận hơn 70% trong tổng số doanh thu thu được.

Điều quan trọng là ông Trưng đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Ông thiết kế trên mỗi bầu đựng chừng 4 lít giá thể nuôi dưỡng bộ rễ, cung cấp dưỡng chất cho cây trong suốt thời gian sinh trưởng hơn 60 ngày.

Trên đó đều có cắm sẵn vòi tưới nhỏ giọt nối với nhánh dây rẽ được gắn cố định vào đường dây chính bằng nhựa dẻo đã lắp đặt khắp khu nhà kính.

Bên cạnh đó, toàn bộ nước tưới trữ trong các thùng nhựa composite, được pha chế với nhiều hợp chất hữu cơ cần thiết đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của cây. Còn nguồn nước tưới, pha chế cũng phải sạch từ trạm cấp nước.

Vì vậy, hệ thống chẳng những giúp ông Trưng không tốn thêm công sức, chi phí phun xịt thuốc kích thích, hay bón phân trong suốt quá trình canh tác, mà còn góp phần tạo ra sản phẩm dưa lưới đạt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cũng theo ông Trưng, toàn bộ quy trình tưới nhỏ giọt được điều khiển bằng mắt thông minh. Nhờ vậy, khâu bơm nước trực tiếp bằng mô tơ điện từ các thùng chứa dự trữ sẵn vào hệ thống dây dẫn, được thực hiện hoàn toàn tự động trong khoảng thời gian nhất định, được lập trình sẵn.

Ngoài việc sử dụng thiết bị vòi tưới nhỏ giọt, cùng đường dây truyền, dẫn nước thì con mắt thông minh đều xuất xứ và có công nghệ từ Israel.

Đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

Chẳng hạn như tưới nước thông minh, tự động bằng cảm biến được áp dụng ở Cần Thơ, Bến Tre; làm phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser được áp dụng tại Long An, An Giang, Bạc Liêu; mô hình luân canh lúa – tôm vùng ven biển được thực hiện ở Cà mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẻ được thực hiện tại Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu…

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, trường đại học Cần Thơ, sản xuất hiện đại sẽ khó thành công hoặc bền vững nếu không có những liên kết cần thiết và chặt chẽ giữa nhà nước, người tư vấn và chuyển giao kỹ thuật – nhà khoa học, giới thu mua và phân phối nông sản, vật tư nông nghiệp – nhà doanh nghiệp với chính người sản xuất – nhà nông.

Cũng theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, trong sản xuất nông nghiệp phải có sự tích hợp 6 ngành: cơ giới – tự động; khí tượng – thủy văn; công nghệ sinh học, hóa học; bảo quản, chế biến nông sản; tài chính, quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin.

Nhưng những mối liên kết và sự tích hợp trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp 4.0 hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Mặc dù đã có một vài chuyển động đáng kể trong sản xuất nông nghiệp thông minh của một số địa phương.

Gần đây nhất, tỉnh Hậu Giang có những động thái tích cực nhằm chuyển đổi nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ; cũng như nỗ lực áp dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất và nhất là tăng cường liên kết, hỗ trợ từ nhiều “nhà“ trong sản xuất nông nghiệp./.

Bài 2: Hướng đến nông nghiệp xanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục