Cảnh báo một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới

11:04' - 27/09/2017
BNEWS Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cảnh báo một cuộc chạy đua hạt nhân mới và cuộc cạnh tranh mới nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân đang bắt đầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh báo trên đã được quan chức ngoại giao Iran đưa ra tại cuộc họp cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân 26/9, đồng thời kêu gọi "trách nhiệm pháp lý, chính trị và đạo đức" trong vấn đề này.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres cho rằng mục tiêu một thế giới không vũ khí hạt nhân đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu trong thời gian qua là các vụ thử tên lửa và hạt nhân đầy khiêu khích của Triều Tiên và làm gia tăng căng thẳng cũng kéo theo những nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.

TTK Guterres đã lên án hành động này và kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) cần thiết phải đưa ra "một giải pháp hòa bình, ngoại giao và chính trị".

Tuy nhiên, Thứ trưởng Araghchi cho rằng: "Gần đây, chúng ta nghe thấy một thông báo đáng báo động từ một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân rằng nước này dự định tiếp tục củng cố và phát triển kho vũ khí hạt nhân để đảm bảo vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này".

Nhận định trên thực chất nhắm vào tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4 rằng: "Một giấc mơ đó là không quốc gia nào sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nếu các quốc gia có vũ khí hạt nhân thì chúng ta (Mỹ) sẽ ở vị trí dẫn đầu".

Theo ông Araghchi, tuyên bố của Tổng thống Trump là "một dấu hiệu rõ ràng và một lời mời gọi dứt khoát để khởi động một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới".

Ngoài ra, quan chức ngoại giao Iran cũng cảnh báo "phần lớn các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang có kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân", cũng như phát triển vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ. Cảnh báo này trực tiếp nhằm vào 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, đặc biệt là Mỹ.

Washington hiện đang cân nhắc xem có nên phát triển các loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, nhưng đang vấp phải làn sóng chỉ trích trước nguy cơ sử dụng loại vũ khí này trong chiến đấu.

Theo Thứ trưởng Araghchi, Iran là một trong 122 quốc gia, hồi tháng 7, đã bỏ phiếu ủng hộ Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, do đó Tehran sẽ tiếp tục ủng hộ toàn bộ mục tiêu của hiệp ước này, song đang xem xét có nên ký vào văn kiện này hay không.

Nội dung của hiệp ước này là các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết không phát triển loại vũ khí này, đổi lại 5 cường quốc hạt nhân từng bước giải giáp vũ khí hạt nhân và đảm bảo các nước khác có quyền tiếp cận công nghệ hạt nhân vì các mục đích hòa bình để sản xuất năng lượng.

Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức kể từ tháng 4/1980 sau cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã gia tăng căng thẳng thời gian gần đây. Năm 2015, Iran và các cường quốc đã ký thỏa thuận, theo đó Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lại việc các nước dỡ bỏ trừng phạt nước CH Hồi giáo.

Tuy gỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân, nhưng Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt liên quan trực tiếp tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran. Ngoài ra, chính quyền của của Tổng thống Trump đang cân nhắc việc rút khỏi thỏa thuận lịch sử này./.

>>> Cơ quan giám sát hạt nhân nghiên cứu hoạt động địa chấn ở Triều Tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục