Cảnh báo nguy cơ nắng nóng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn tại Đông Á

19:00' - 15/08/2022
BNEWS Trong nghiên cứu công bố, các nhà khoa học cảnh báo nắng nóng có khả năng diễn ra với tần suất thường xuyên và nghiêm trọng, gia tăng rủi ro với sức khỏe con người, cũng như sản xuất nông nghiệp.

Trong nghiên cứu công bố mới đây, các nhà khoa học cảnh báo các đợt nắng nóng có khả năng diễn ra với tần suất thường xuyên và nghiêm trọng hơn, gia tăng rủi ro đối với sức khỏe con người, cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp.

 

Nghiên cứu trên do nhóm nhà khoa học quốc tế do Giáo sư Kyung-Ja Ha thuộc Đại học quốc gia Pusan (Hàn Quốc) dẫn đầu.

Qua nghiên cứu này, các nhà khoa học muốn phân tích mức độ phổ biến của 2 loại sóng nhiệt tại Đông Á, gồm sóng nhiệt khô và sóng nhiệt ẩm.

Việc phân tích là nhằm tìm ra những khu vực dễ bị tổn thương nhất đối với hai kiểu sóng nhiệt này, đồng thời làm rõ sự tác động có thể xảy ra từ biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới.

Giáo sư Kyung-Ja Ha dự báo các đợt sóng nhiệt sẽ trở thành hiện tượng phổ biến hơn nhiều trong điều kiện khí hậu ấm hơn và kiểu thời tiết này sẽ tàn phá đời sống con người, nông nghiệp và nguồn nước.

Dựa trên các dữ liệu khí hậu trước đó, nhóm nghiên cứu đã lần đầu tiên xác định được cách thức và địa điểm mà 2 kiểu sóng nhiệt hình thành, đồng thời dự báo sự xuất hiện của 2 loại sóng nhiệt này trong tương lai theo các kịch bản phát thải khí nhà kính khác nhau.

Cụ thể, đặc điểm của các sóng nhiệt khô là ổn định, nắng nóng với độ ẩm thấp. Trong khi đó, các đợt sóng nhiệt ẩm thường đi kèm với điều kiện thời tiết ngột ngạt, ẩm ướt vào ban ngày và ban đêm với hơi nhiệt bị giữ lại dp các đám mây.

Theo Giáo sư Kyung-Ja Ha, các hiện tượng nóng và khô có ảnh hưởng đáng kể đến tài nguyên nước và nông nghiệp.

Nhiệt độ từ 35 độ C trở lên khi kết hợp với độ ẩm cao được đánh giá là nguy hiểm đối với con người vì cơ thể con người không thể mất nhiệt dễ dàng, khiến con người có nguy cơ bị stress hoặc sốc nhiệt.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các đợt sóng nhiệt khô thường xảy ra tại phía Tây Bắc của khu vực Đông Á, chủ yếu tiếp giáp với các vùng sa mạc ở phía Bắc Trung Quốc và Mông Cổ, trong khi các đợt nắng nóng ẩm lại phổ biến ở phía Nam của khu vực Đông Á, chủ yếu là phía Nam Trung Quốc và  khu vực Đông Dương.

Dựa theo các dữ liệu thời tiết từ năm 1958 đến năm 2019, các đợt sóng nhiệt thuộc 2 kiểu trên đã gia tăng về tần suất cũng như thời gian diễn ra trong 60 năm qua.

Nhóm nghiên cứu đã xác định sóng nhiệt khô và ẩm có độ ẩm lần lượt ở mức dưới 33% và trên 66%. Dựa trên dự báo mô hình máy tính, các nhà khoa học  phát hiện rằng các đợt sóng nhiệt sẽ diễn ra với tần suất thường xuyên và trong thời gian dài hơn trên khắp Đông Á trong tương lai, ngay cả khi lượng khí nhà kính phát thải ở mức tối thiểu. Nếu khí thải nhà kính tiếp tục tăng, các đợt nắng nóng sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Các nhà khoa học nhấn mạnh những đợt nắng nóng khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại Bắc bán cầu trong năm nay, trong đó có Nam Á, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa kiểu thời tiết này với biến đổi khí hậu, cũng như những rủi ro ngày càng tăng do nhiệt độ tăng.

Điều này chứng tỏ con người cần nhanh chóng thích ứng với sự tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như xây dựng nhiều trung tâm làm mát cho những người dễ bị tổn thương.

Các nhà khoa học nhận định nghiên cứu này nhằm cung cấp thông tin chính xác về sóng nhiệt để lập kế hoạch tăng cường sử dụng điện ở những nơi có nguy cơ hứng chịu sóng nhiệt ẩm và quản lý nguồn cung cấp nước ở những vùng dễ bị ảnh hưởng do sóng nhiệt khô. Do vậy, chính sách thích ứng cho nông nghiệp, tài nguyên nước và sức khỏe con người sẽ hiệu quả hơn đã áp dụng.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Climate and Atmospheric Science./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục