Cảnh báo nhiều trường hợp nguy kịch không đi khám bệnh do sợ dịch COVID-19

13:28' - 14/04/2020
BNEWS Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sáng 14/4, rất ít người dân đến khám, điều trị tại bệnh viện.

Gần 3 tháng trở lại đây, tại Đồng Nai, để phòng tránh dịch COVID-19, người dân đã hạn chế đến những nơi đông người trong đó có cả các bệnh viện. Điều này dẫn đến số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị nội, ngoại trú ở các bệnh viện trong tỉnh đều giảm mạnh. Nhiều trường hợp bệnh trở nặng mới nhập viện điều trị, thực tế đã có trường hợp tử vong ngay tại nhà do người dân sợ đến bệnh viện sẽ lây nhiễm dịch COVID-19.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sáng 14/4, rất ít người dân đến khám, điều trị tại bệnh viện. Nếu như trước đây, người dân phải đi từ 5 giờ sáng để xếp hàng, lấy số và chờ khám bệnh thì hiện nay, số người tới bệnh viện khám bệnh rất ít, hầu như không phải chờ đợi.

Ông Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trước khi xảy ra dịch COVID-19, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận, khám, điều trị ngoại trú cho từ 4.000 - 6.000 lượt bệnh nhân và khoảng 1.500 bệnh nhân nội trú. Nhưng gần 3 tháng nay, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện giảm rất nhiều, đặc biệt trong 2 tuần gần đây, giảm khoảng 50% so với trước khi có dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, dịch COVID-19 có khả năng lây lan cao nên việc hạn chế đến những nơi đông người là rất cần thiết. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân không nên vì quá lo sợ dịch COVID-19 mà trì hoãn việc đến bệnh viện khi bệnh trở nặng, bởi khi đó người dân sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng hoặc nguy cơ tử vong rất cao.

“Đã có trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp, suy thận, tử vong tại nhà sau vài ngày cầm cự vì không dám tới bệnh viện để khám và điều trị do sợ lây nhiễm dịch COVID-19. Một số trường hợp bị đột quỵ nặng đã không còn cơ hội chữa khỏi vì đến bệnh viện quá muộn”, bác sĩ Nguyễn Đình Quang cho biết.

Chị H.T.V, ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai, cho biết mẹ chị bị bệnh tiểu đường đã lâu. Trước đây cứ 1 tháng, gia đình lại chở cụ lên bệnh viện khám, đo đường huyết và lấy thuốc điều trị 1 lần. Gần đây, dù hết thuốc điều trị nhưng gia đình cũng không dám đưa cụ đi khám do sợ lây dịch COVID-19. Hậu quả sau 1 tuần cầm cự, chỉ số đường huyết của cụ lên mức cao (9.3), mức cảnh báo nguy hiểm, may mắn gia đình vẫn đưa vào bệnh viện điều trị kịp thời.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện nay trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 120 lượt bệnh nhân đến khám bệnh (trước kia 300 - 400 lượt bệnh nhân khám/ngày). Trong tuần vừa qua, Khoa Cấp cứu tiếp nhận hơn 200 lượt bệnh nhân, tập trung chủ yếu là các bệnh lý ngoại khoa, nhất là tai nạn sinh hoạt tại nhà ở trẻ em.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sửu, Quyền Trưởng khoa Khám bệnh - cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, chỉ những bệnh nhi bị bệnh nặng, tai nạn thương tích, chấn thương nặng, uống thuốc lâu ngày không khỏi mới đến khám, cấp cứu tại bệnh viện. Nhiều trường hợp bệnh nhân nếu nhập viện sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh cao hơn, nhưng hiện nay nhiều người để bệnh trở nặng mới đưa vào nhập viện.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân không nên quá lo lắng, chỉ trừ những bệnh nhẹ chưa cần điều trị ngay, người dân mới nên ở nhà; với những bệnh nặng cần nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, mặc dù hiện nay tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng ở tất cả các bệnh viện trong tỉnh đều được sắp xếp lực lượng nhân viên túc trực đo thân nhiệt cho người bệnh, thân nhân người bệnh; nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh khi ra, vào bệnh viện nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Do đó, mọi người có thể yên tâm khi tới khám và điều trị tại bệnh viện.

Trước tình trạng bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện giảm mạnh, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp với thực tế như luân phiên cho nhân viên y tế của các khoa, phòng nghỉ phép. Việc nghỉ phép phải đáp ứng yêu cầu công việc của các khoa, phòng và phải có mặt kịp thời tại bệnh viện khi có tình huống cấp bách xảy ra cần điều động nhân sự.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện gom các phòng khám khối nội của bệnh viện lại, ví dụ từ 5 phòng khám chỉ còn 2 phòng khám. Các chuyên khoa lẻ cũng được sắp xếp lại cho phù hợp để vừa tránh lãng phí nguồn nhân lực, vừa hạn chế việc tập trung đông người tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, với những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để bệnh nhân có thể sử dụng trong 2 tháng thay vì 2 tuần hoặc 1 tháng như trước kia. Bệnh viện cũng đã sắp xếp, kê lại các giường bệnh nội trú với khoảng cách tối thiểu 2 mét nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Mỗi bệnh nhân chỉ được một người nuôi bệnh và người nuôi bệnh chỉ được ra, vào các khoa, phòng trong những giờ được quy định cụ thể, còn lại sẽ được đề nghị ra về để đảm bảo tránh tập trung đông người, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục