Cảnh báo rủi ro khi thu hái hồ tiêu

09:38' - 24/02/2023
BNEWS Nông dân tỉnh Đắk Lắk hiện đang vào cao điểm thu hoạch hồ tiêu năm 2023. Với đặc thù trụ tiêu cao, khi hái phải dùng thang khiến công việc thu hoạch hồ tiêu mang lại nhiều rủi ro cho người hái.

Thực tế, tại tỉnh Đắk Lắk, trong những năm gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn khi đang hái tiêu.

 

Đã 3 năm qua đi song ông Nguyễn Đình Đức, thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vẫn không quên ngày ông bị ngã từ độ cao 4m trong khi đang hái tiêu xuống đất. Ông được mọi người xung quanh nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu và được đội ngũ y bác sĩ điều trị tích cực, mổ kịp thời.

Song do vết thương nặng, ông Đức vẫn bị liệt từ thắt lưng xuống tới hai chân. Hiện nay, ông Đức vẫn đang điều trị, tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù kiên trì tập luyện, điều trị ông Đức vẫn rất vất vả trong di chuyển, sinh hoạt.

Cùng hoàn cảnh như ông Nguyễn Đình Đức, năm 2022, ông Dương Thành, thôn 1A, xã Cư Ni, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cũng bị tai nạn khi đang hái tiêu khiến ông bị ngã, gãy xương sống cổ, liệt tứ chi, chấn thương tủy. Sau nhiều đợt phẫu thuật, hiện ông Thành đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Đắk Lắk để phục hồi các chức năng vận động. Ông Thành nhắn nhủ, nông dân khi thu hái hồ tiêu hoặc trèo cây cần cẩn thận để giữ an toàn tính mạng cho bản thân.

Huyện Cư Kuin là vùng trọng điểm sản xuất cây hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk. Huyện có gần 4.667 ha trồng tiêu, tập trung chủ yếu ở hai xã Ea Ning và Ea Bhốk. Thời gian thu hoạch hồ tiêu trên địa bàn huyện thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm.

Ông Phạm Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ning cho biết, công việc hái tiêu mang lại nhiều rủi ro. Những năm qua, trên địa bàn xã có nhiều trường hợp bị tai nạn khi đang hái tiêu. Năm 2022, trên địa bàn xã có hai trường hợp bị tử vong do gặp sự cố khi đang hái tiêu; trong đó, có một trường hợp là thầy giáo.

Theo ghi nhận, giá nhân công hái tiêu tại tỉnh Đắk Lắk đang dao động từ 220 - 240 nghìn đồng/người/ngày. Do công việc này có độ rủi ro dẫn đến tai nạn nên giá nhân công hái tiêu cao hơn các công việc làm nông khác. Các hộ vừa đổi công cho nhau, vừa thuê nhân công hái.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 30.948 ha trồng hồ tiêu. Trong canh tác, đa số nông dân trên địa bàn dùng các cây như: muồng, gòn, keo… để làm trụ sống cho cây hồ tiêu, vừa che bóng mát vừa tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu. Việc thu hái hồ tiêu từ 3 năm tuổi trở lên phải dùng đến thang; trong đó, có nhiều trụ tiêu cao tới 5 - 7m.

Người dân chủ yếu dùng thang sắt để dựa vào trụ tiêu, sau đó trèo lên hái. Đặc điểm các bồn trồng tiêu thường trũng để thuận lợi tưới nước, gây khó khăn để cố định thang. Hơn nữa, những ngày này, thời tiết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhiều gió, gió to, mang lại nhiều rủi ro cho người dân khi hái tiêu. Mặt khác, nhiều chỗ đất mềm mà chân của thang sắt nhỏ nên dễ gây lún dẫn đến ngã, đổ, nguy hiểm cho người hái.

Gia đình bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin có 6 sào (6.000 m2) trồng hồ tiêu với khoảng 700 cây từ năm 2016 đến nay. Năm nay, gia đình bà Hạnh cần khoảng 150 nhân công để thu hoạch hồ tiêu. Bà Hạnh cho biết, gia đình thường dặn dò nhân công phải cố định thang chắc chắn rồi mới trèo lên hái. Trời gió to không trèo lên cao, chú ý đảm bảo an toàn để hạn chế nguy cơ gặp tai nạn, sự cố.

Vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Hai, thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin đi hái tiêu thuê nhiều năm nay. Theo anh Hai, hái tiêu là công việc nguy hiểm, nhiều rủi ro, sơ suất không để ý, không cẩn thận có thể gặp cây mục hoặc thang không cố định chắc chắn dẫn đến ngã, đổ khi đã trèo lên cao. Do đó, anh Hai luôn tự nhủ và dặn dò vợ phải cẩn thận khi hái, vừa quan sát, kiểm tra cây, vừa cố định thang chắc chắn, khi gió to thì hái dưới thấp. Anh Hai còn cẩn thận dùng dây cột thang vào trụ tiêu rồi mới hái.

Ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin cho biết, rủi ro, tai nạn thương tích trong thu hái hồ tiêu liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện trong những năm qua. Người dân khi hái không có dây đỡ, thang không cố định dẫn đến nghiêng và ngã, đổ. Do đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo người dân cẩn trọng trong khi thu hái hồ tiêu, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, vào thời điểm thu hoạch hồ tiêu mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 - 30 bệnh nhân bị tai nạn do hái tiêu. Bệnh nhân có thể bị thương tích do thang ngã, trụ tiêu đổ hoặc bệnh nhân chóng mặt, lao từ trên cao xuống. Các thương tích do hái tiêu thường là gãy tay, gãy chân, gãy đốt sống cổ, tổn thương đốt sống lưng, chấn thương sọ não, liệt tủy.

Bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chia sẻ, thương tích từ tai nạn, sự cố do hái tiêu thường rất nặng. Trường hợp người dân không may gặp tai nạn do hái tiêu, không nên khiêng, vác người dân vì sẽ gây thêm tổn thương mà nên dùng băng ca, ván cứng rồi nhẹ nhàng di chuyển người bệnh trong tư thế luôn luôn duỗi thẳng. Sau đó, nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu và chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đại Phong, bệnh viện khuyến cáo, người dân cần có sự bảo hộ lao động tốt và tìm hiểu, chuẩn bị những giải pháp, kiến thức sơ cứu khi có sự cố không may xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục