Cảnh báo tình trạng ngộ độc do ăn ốc biển lạ

14:06' - 14/09/2020
BNEWS Thời gian qua, tình trạng người dân bị ngộ độc nặng, thậm chí là tử vong do ăn ốc biển lạ ngày càng gia tăng tại tỉnh Khánh Hòa.

Nguyên nhân do độc tố Tetrodotoxin có trong các sinh vật biển trên là loại độc tố thần kinh cực mạnh, cấu trúc khá đặc biệt, không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao.

Mới đây nhất vào ngày 11/9, nhóm ba ngư dân ở huyện Vạn Ninh bị ngộ độc do ăn ốc lạ, một người tử vong trước khi vào viện và hai người đang theo dõi tại bệnh viện.

Cụ thể, anh Nguyễn Văn T. (23 tuổi, thị trấn Vạn Giã);  anh Hồ Văn N. (21 tuổi, xã Vạn Thạnh) và anh Trần Quốc T. (22 tuổi, xã Vạn Khánh) đi đánh bắt cá trên biển huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có lặn bắt được một túi ốc biển không rõ loại.

Sau đó, nhóm này ghé vào đảo Khải Lương, xã Vạn Thạnh cho một gia đình người quen một nửa túi ốc; số ốc còn lại, 3 ngư dân nấu chín để ăn vào 16 giờ cùng ngày.

Sau nửa tiếng đồng hồ, 3 người xuất hiện các triệu chứng: tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu.

Đến 19 giờ ngày 11/9, ngư dân Nguyễn Văn T. có triệu chứng trở nặng, được người dân đưa vào Đầm Môn, xã Vạn Thạnh và cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa khu vực Tu Bông, tuy nhiên bệnh nhân đã tử vong.

Khoảng 1 giờ ngày 12/9, hai bệnh nhân còn lại được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh và sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi được điều trị tích cực, hiện tại 2 bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Đối với gia đình ở đảo Khải Lương được cho nửa túi ốc, gia đình cũng đem đi luộc, nhưng chỉ có 2 người ăn.

Do thấy ốc lạ, mọi người chỉ ăn vài con, số còn lại bảo quản trong tủ lạnh. Hiện tại, 2 người này chưa có biểu hiện, triệu chứng gì nhưng vẫn được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh để theo dõi sức khỏe.

Sáng 14/9, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, hai bệnh nhân ngộ độc do ăn ốc biển lạ nhập viện hôm 12/9 nhờ được kịp thời cấp cứu cộng với lượng chất độc trong cơ thể ở mức thấp nên sức khỏe của cả hai sớm ổn định, có thể xuất viện trong 3 ngày tới.

Trước đó, vào tháng 2/2020, do ăn ốc bùn bóng, 3 mẹ con ở phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang phải nhập viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu do ngộ độc.

Tuy các bác sĩ của bệnh viện đã tích cực cứu chữa, nhưng do bị ngộ độc nặng, sau 1 ngày nhập viện người mẹ (chị V.T.A, 44 tuổi) đã tử vong, hai người con được cấp cứu kịp thời.

Trước đó, tháng 12/2019, tại phường Vĩnh Trường (thành phố Nha Trang), chị N. (46 tuổi) cũng ăn ốc bùn bóng và tử vong sau khi chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực chống độc Nguyễn Lương Kỷ cho biết thêm, bình quân mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận trên 14 trường hợp bị ngộ độc nặng do ăn ốc.

Một số loại ốc biển có độc không được ăn như: ốc bùn bóng, ốc tù và ốc hương đen; các loại cá nóc, con so hoặc các loại ốc biển có thể ăn được nhưng vì một nguyên nhân nào đó bị nhiễm độc như: ốc mặt trăng, ốc đụn.

Nguyên nhân do độc tố Tetrodotoxin có trong ốc bùn bóng là loại độc tố thần kinh cực mạnh, cấu trúc khá đặc biệt nên độc tố này không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao.

Triệu chứng lâm sàng thường gặp khi ăn phải các sinh vật có độc này là trong vòng 20 phút đến 3 giờ có cảm giác tê, rát ở môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đầu, nôn mửa, loạng choạng… có thể tử vong sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Được biết, độc tố Tetrodotoxin không phải do ốc bùn bóng sản sinh ra mà do một số loài vi khuẩn cộng sinh sinh ra.

Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ khuyến cáo người dân, không phải loại ốc nào cũng ăn được, trước khi ăn, cần nhận dạng từng loại để tránh bị ngộ độc.

Sau khi ăn bất cứ loại ốc biển nào mà có triệu chứng mô tả như trên, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục