Cảnh báo về nạn bạo lực đối với trẻ em

17:53' - 24/03/2018
BNEWS Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội trẻ em thế giới của Mỹ, Joanna Rubinstein cho biết mỗi năm trên thế giới có ít nhất 1 tỷ trẻ em bị đối xử bạo lực trong khi bạo lực có thể ngăn chặn được.

Sau 2 ngày họp, ngày 23/3, hội nghị "Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em: Phát triển lộ trình cho trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh" được tổ chức tại thành phố New York, Mỹ đã kết thúc với lời kêu gọi hành động chung của các chuyên gia toàn cầu nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đối với trẻ em.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội trẻ em thế giới của Mỹ, Joanna Rubinstein cho biết mỗi năm trên thế giới có ít nhất 1 tỷ trẻ em bị đối xử bạo lực trong khi bạo lực có thể ngăn chặn được. Bởi vậy, hội nghị này sẽ tạo ra động lực để thiết lập lộ trình chấm dứt bạo lực với trẻ em vào năm 2030 tại thành phố New York, Mỹ và các thành phố khác trên thế giới.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm y tế thanh thiếu niên Mount Sinai, Angela Diaz cho rằng bạo lực đối với trẻ em, trong đó có lạm dụng và khai thác tình dục là một "dịch bệnh y tế trầm kha" tại Mỹ và trên thế giới, là gánh nặng suốt đời của các nạn nhân, trong đó có sức khỏe về tâm thần và các vấn đề lạm dụng khác, cũng như có thể khiến họ rơi vào trầm cảm triền miên.

Do vậy, mục tiêu của hội nghị là đề xuất lộ trình thực tế cho những hành động có thể giúp thế hệ tương lai tự do thoát khỏi các vụ lạm dụng và bỏ mặc hiện nay. Theo bà Diaz, các nước cần xác định các giải pháp cụ thể để chấm dứt vòng xoáy bạo lực, mang lại cơ hội tương lai tươi sáng cho trẻ em.

Theo Bộ Y tế Mỹ, trong năm 2016 có khoảng 676.000 trẻ em tại Mỹ là nạn nhân của các vụ lạm dụng và thờ ơ, tăng 3% so với năm 2012. Trong số này, 18% bị lạm dụng thân thể, 8,5% bị lạm dụng tình dục. Trung bình mỗi ngày tại Mỹ có gần 5 trẻ tử vong do các vụ lạm dụng và bị bỏ mặc. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ dự đoán có khoảng từ 10.000 đến hơn 20.000 trẻ bị khai thác tình dục hoặc bị buôn bán tại nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục