“Cánh cửa” nào giúp tiêu thụ hiệu quả hơn cho nông sản miền núi?

15:45' - 26/07/2023
BNEWS Việc hỗ trợ bà con khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc tiêu thụ nông sản là trách nhiệm chung của các Bộ ngành, địa phương.

Dòng sản phẩm nông sản của đồng bào miền núi phía Bắc chủ yếu là trái cây của các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn... Nông sản ở các địa phương này khó đặc trưng là rất dồi dào, song có một số thời điểm vẫn bị ép giá, đặc biệt khi vào thời kỳ thu hoạch rộ.  

 

Mặc dù vậy, theo Bộ Công Thương, đối với việc tiêu thụ, hiện nay 45% tổng sản lượng nông sản của miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là tiêu dùng tại chỗ, còn xuất khẩu và bán ra vùng miền khoảng 25-28%. Như vậy sản phẩm mà chúng ta có thể gọi là lúc lên xuống là khoảng 28-30%. 

Bên cạnh đó, các khu vực này có đặc trưng là xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn nên việc vận chuyển hàng hóa cũng gặp khó. Chưa kể, sản lượng sản phẩm chưa lớn, đặc biệt là các loại đặc sản ngon và đặc thù như gạo Séng Cù, gạo Bát Xát…

Ngoài ra, nhãn mác, thương hiệu và truyền thông cho nông sản miền núi còn hạn chế. Đặc biệt là các HTX, người dân, chủ trang trại sử dụng nền tảng số để giao dịch còn ít. Hình ảnh làm sao, đóng gói như thế nào còn hạn chế. Đây là lý do khiến sản phẩm tiêu thụ còn khó khăn.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết: “Ngoại trừ một số địa phương đã làm tốt thương hiệu thời gian qua như Sơn La, Bắc Giang… nhiều loại nông sản của các địa phương vẫn rơi vào tình trạng được mùa mất giá khi đến mùa thu hoạch rộ. Hoặc khó khăn trong đầu ra. Với bà con khu vực miền núi, những khó khăn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ và thu nhập". 

Khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc là khu vực yếu thế, việc hỗ trợ người dân khu vực này trong các vấn đề, bao gồm tiêu thụ nông sản là giải pháp quan trọng. 

Việc hỗ trợ bà con khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc tiêu thụ nông sản là trách nhiệm chung của các Bộ ngành, địa phương. Do đó, để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản khu vực này, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ.

Giải pháp đầu tiên là phát triển hạ tầng giao thông giữa giữa vùng nguyên liệu sản xuất đến trung tâm tiêu thụ sản phẩm của bà con. Do các địa phương miền núi ở quá xa khu vực trung tâm nên sau khi bà con thu hoạch quả cam, quả dứa, quả bưởi đưa vào sọt, vào bao rồi vận chuyển, khiến hoa quả va vào nhau, xuống cấp nhanh chóng, tiêu thụ khó. Cho nên nếu không đầu tư hạ tầng giao thông thì chất lượng sản phẩm sẽ kém và tạo kẽ hở cho tư thương, chủ vựa hạ giá thành sản phẩm.

“Dưới góc độ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vấn đề sản xuất, quy hoạch, tiêu chuẩn, khuyến nông đã làm nhưng cần làm nhiều hơn nữa. Để có chất lượng thì toàn bộ hoạt động khuyến nông phải được làm bài bản, trước đây khuyến nông từng hộ thì giờ khuyến nông các tổ hợp tác, HTX để có chuỗi giá trị và liên kết. Trước đây là một khâu thì giờ phải theo chuỗi cho đến khi sản phẩm ra thị trường” – ông Thủy nói.

Ông Thủy cũng so sánh, Việt Nam hiện có gần 1 triệu ha hoa trái, sản lượng 11,5 – 12 triệu tấn nhưng kim ngạch xuất khẩu của ta chỉ đạt 3,37 tỷ USD. Trong khi đó, Thái Lan có 5 triệu tấn rau quả nhưng kim ngạch xuất khẩu của họ đạt 8,37 tỷ USD. Sản lượng bằng một nửa nhưng giá trị xuất khẩu của họ gấp 3 của mình. Như vậy, cần phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa tiến bộ khoa học vào làm cho đúng.

Ngoài ra, hiện nay, công nghệ bảo quản và kho lạnh thiếu, chợ đầu mối thiếu, trong khi đó, phải có công nghệ thì rau quả mới đảm bảo chất lượng. “Đã gọi là lương thực thực phẩm thì ai cũng muốn tươi, ngon, sạch, chất lượng từ khi hái đến khi đến bàn ăn là không chênh lệch. Do đó, việc ứng dụng công nghệ là không thể thiếu” – ông Thủy chia sẻ.

Bên cạnh đó, hệ thống tham tán thương mại, đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần điều tra và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu thị trường, biết được đối tượng nào là đối tượng tiêu dùng đích, sản lượng của thị trường cần là bao nhiêu. Đây là điều chúng ta rất yếu. 

“Người Việt nam ở các quốc gia nhiều, họ vừa là cầu nối, vừa là thông tin viên, họ hiểu đâu là thị trường đích, sản lượng bao nhiêu, tiềm năng bao nhiêu… Nắm được thông tin sẽ nắm được thị trường, còn nếu không thì sẽ khó có thể mở được trục cho tiêu thụ nông sản” – ông Thủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, phải kiên trì bằng mọi giá để thiết lập hệ thống bán lẻ, phân phối. Cần xây dựng các điểm trung chuyển rau quả, nơi đó có kho lạnh, có công nghệ để xác định tiêu chuẩn của sản phẩm xuất khẩu. Làm được như vậy thì nông sản sẽ bảo quản được tốt hơn, nâng cao giá trị khi đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, hiện nay, sản phẩm OCOP của Việt Nam có số lượng dồi dào và chất lượng tốt. Tuy nhiên sản phẩm OCOP chỉ có thể bán được và bán tốt nếu có câu chuyện phía sau. Ai giúp được người nông dân? Đó chính là các cơ quan báo chí, các cơ sở văn học… Thêm nữa, cần huấn luyện bà con hiểu về internet để tận dụng công nghệ số quảng bá và tiêu thụ sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục