Lý do đề xuất tăng hơn 700 tỷ đồng cho dự án kết nối giao thông miền núi

11:18' - 20/07/2023
BNEWS Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc có tổng mức đầu tư dự án được đề xuất điều chỉnh tăng hơn 700 tỷ đồng, từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng.

Ngày 20/7, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ Trình số 7439/TTr-BGTVT trình Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được đề xuất điều chỉnh tăng hơn 700 tỷ đồng, từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, vốn đối ứng được điều chỉnh tăng từ hơn 988 tỷ đồng lên hơn 1.643 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia tăng từ hơn 101 tỷ đồng lên hơn 153 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng thêm vốn đầu tư chủ yếu do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, đối với phần vốn tăng thêm, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có mức tăng cao nhất, từ gần 312 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng (hơn 708 tỷ đồng); tiếp đến là phần tăng của chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (gần 52 tỷ đồng). Chi phí dự phòng được điều chỉnh giảm hơn 53 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân tăng chi phí giải phóng mặt bằng, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 (Bộ giao thông Vận tải) cho biết, để hỗ trợ công tác chuẩn bị dự án, ADB đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Giao thông Vận tải để chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi trình ADB và phía Việt Nam phê duyệt, làm cơ sở đàm phán, ký kết hiệp định vay cho dự án khoảng 1,8 triệu USD.

Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật do ADB lựa chọn đã thiết kế tuyến đường cơ bản bám theo tim tuyến đường cũ, tim tuyến được xác định trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000, không tiến hành đo đạc bình đồ và trắc ngang chi tiết.

Theo số liệu kết quả khảo sát của tư vấn hỗ trợ kỹ thuật vào giai đoạn đầu năm 2018, khối lượng đền bù bao gồm: Diện tích đất cần thu hồi gần 74ha; có 957 hộ gia đình bị ảnh hưởng; trong đó có 30 hộ gia đình sẽ phải di dời, tự tái định cư trong các khu tái định cư có sẵn của địa phương. Tư vấn đã tính toán, xác định kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án là khoảng 362 tỷ đồng (đã bao gồm dự phòng và trượt giá).

Để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi (do Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật của ADB thực hiện) cho phù hợp với quy định của Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí vốn đối ứng 23,5 tỷ đồng để thuê tư vấn trong nước thực hiện.

Số liệu về khối lượng giải phóng mặt bằng đã được tư vấn trong nước sử dụng nguyên số liệu của tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng tổng mức đầu tư của dự án với kinh phí giải phóng mặt bằng là gần 312 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng và trượt giá).

Do giai đoạn lập dự án đầu tư (thiết kế cơ sở), tư vấn trong nước đã tận dụng hoàn toàn số liệu giải phóng mặt bằng của Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật mà không thực hiện rà soát, chuẩn xác lại số liệu.

Tại thời điểm hoàn thiện báo cáo khả thi, việc chuẩn bị dự án cần khẩn trương thực hiện để đảm bảo thời gian ký được hiệp định vay vốn ADF - Các quốc gia nhóm A được nhận viện trợ từ Quỹ Phát triển châu Á (vốn ODA cuối cùng) của ADB trước ngày 31/12/2018 nhằm tận dụng nguồn vốn vay rẻ ADF của ADB trước khi Việt Nam tốt nghiệp ADF vào ngày 1/1/2019.

Do đó, việc tận dụng lại số liệu về giải phóng mặt bằng của tư vấn hỗ trợ kỹ thuật (khảo sát, ước tính sơ bộ) để đưa vào hồ sơ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi không lường trước được sự phức tạp của địa hình miền núi nên đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật có sự chênh lệch lớn khối lượng giải phóng mặt bằng và tăng kinh phí giải phóng mặt bằng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện tại Bộ Giao thông Vận tải đã cân đối vốn đối ứng hơn 655 tỷ đồng để bổ sung cho chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải.

Thông tin về tình hình triển khai dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết, dự án đã triển khai thi công được 10/11 gói thầu. Gói thầu còn lại (XL07) dự kiến sẽ khởi công đầu tháng 8 này. Về tiến độ thi công, tính đến ngày 20/7, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 20%, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra trên diện tích có mặt bằng thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết đang quyết liệt phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công”.

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Australia tài trợ nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Quy mô của dự án gồm 2 tuyến gồm: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi. Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục