Cạnh tranh trên thị trường ô tô ASEAN sẽ ngày càng khốc liệt

08:10' - 03/12/2015
BNEWS Giới phân tích dự báo cuộc chiến giành thị phần trên thị trường ô tô ASEAN sẽ trở nên khốc liệt hơn trong những năm tới.
Giới phân tích dự báo cuộc chiến giành thị phần trên thị trường ô tô ASEAN sẽ trở nên khốc liệt hơn trong những năm tới. Ảnh: An Hiếu-TTXVN

Sự hấp dẫn của thị trường này chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015, dẫn tới sự ra đời của một thị trường ô tô thống nhất và sự dỡ bỏ của hàng rào thuế quan đối với ô tô có xuất xứ từ các nước thành viên ASEAN.

Điều này chắc chắn sẽ có sự tác động đến ngành công nghiệp cũng như thị trường ô tô Việt Nam.

Giới phân tích dự báo cuộc chiến giành thị phần trên thị trường ô tô ASEAN sẽ trở nên khốc liệt hơn trong những năm tới.

Trong cuộc chiến đó, Thái Lan có thể tiếp tục duy trì vị thế nhà sản xuất ô tô lớn nhất khối nhờ các lợi thế lớn so với các nước ASEAN khác.

Tại thời điểm hiện nay, Thái Lan và Indonesia là hai nước sản xuất ô tô lớn nhất trong ASEAN. Hai nước này đang chiếm tới hơn 4/5 sản lượng ô tô của toàn khối.

Được mệnh danh là “Detroit của phương Đông”, Thái Lan là nước sản xuất ô tô lớn nhất ASEAN và đứng thứ 9 thế giới. Các số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Ô tô Thái Lan cho thấy năm 2013, sản lượng ô tô của Thái Lan chiếm 55,4% tổng sản lượng ô tô của khối ASEAN và 3% tổng sản lượng ô tô toàn cầu.

Đáng chú ý, sản lượng ô tô của Thái Lan đã tăng gần gấp đôi chỉ sau 6 năm, từ mức 1,287 triệu chiếc vào năm 2007 lên 2,453 triệu chiếc năm 2012.

Nước này đã xuất khẩu 1/2 số lượng ô tô sản xuất sang các nước khác, trong đó Australia là khách hàng lớn nhất, Indonesia và Nhật Bản là các thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và 3 của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan (số liệu năm 2013).

Theo bà Duangjai Asawachintachit, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI), không giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, Thái Lan không quy định tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc đối với các doanh nghiệp chế tạo ô tô có vốn đầu tư nước ngoài, không quy định về tỷ lệ xuất khẩu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3 đến 8 năm, miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực ô tô…

Sản lượng của Việt Nam và Philippines – những nước được xếp ở vị trí thứ 4 và 5 trong ASEAN về năng lực sản xuất ô tô. Ảnh: An Hiếu-TTXVN

Bên cạnh đó, Thái Lan là nước có ngành công nghiệp phụ trợ rất phát triển với 709 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô cấp 1, 1.700 doanh nghiệp cấp 2 và cấp 3.

Các doanh nghiệp này cung cấp khoảng 85% linh kiện, phụ tùng sử dụng trong quá trình lắp ráp xe tải và khoảng 70% linh kiện, phụ tùng sử dụng để lắp ráp xe chở khách.

Ngoài ra, so với các nước khác trong ASEAN (ngoại trừ Singapore), nền kinh tế Thái Lan có chỉ số cạnh tranh cao hơn.

Đối với Indonesia, mặc dù có thị trường nội địa lớn hơn nhưng so với “xứ chùa Vàng”, sản lượng ô tô của “quốc gia vạn đảo” lại thấp hơn nhiều. Năm 2013, Indonesia sản xuất được hơn 1,208 triệu chiếc, chỉ bằng gần 1/2 sản lượng ô tô của Thái Lan.

Đối với phần còn lại của ASEAN, khoảng cách giữa Thái Lan và Indonesia với các nước này còn rất lớn. Mặc dù là nước sản xuất ô tô lớn thứ 3 trong khối ASEAN nhưng sản lượng của Malaysia cũng chỉ là hơn 601.000 chiếc (năm 2013).

Sản lượng của Việt Nam và Philippines – những nước được xếp ở vị trí thứ 4 và 5 trong ASEAN về năng lực sản xuất ô tô - còn thấp hơn nữa, tương ứng là 98.000 và 79.100 chiếc.

Giới phân tích cho rằng sau khi AEC hình thành, bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp ô tô ASEAN có thể sẽ không thay đổi nhiều. Vị trí “công xưởng” sản xuất ô tô của khu vực sẽ chủ yếu là cuộc đấu giữa Thái Lan và Indonesia.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong dài hạn, Thái Lan có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt hơn từ Indonesia.

Với thị trường nội địa lớn và chính sách ngày càng thông thoáng hơn, Indonesia chắc chắn sẽ là đối thủ khó nhằn của Thái Lan.

Ông Alan Greene, Phó Chủ tịch hãng định mức tín nhiệm quốc tế Moody's, nhận định: “Với sự hình thành của AEC vào cuối năm nay, vị thế nước sản xuất ô tô lớn nhất ở ASEAN của Thái Lan có thể sẽ bị đe dọa bởi vì, các nước khác, chẳng hạn như Indonesia, với thị trường nội địa truyền thống tập trung vào hoạt động lắp ráp xe hơi, đang tìm kiếm miếng bánh lớn hơn trong thị trường khu vực”.

Bên cạnh đó, sự ra đời của AEC chắc chắn sẽ dẫn tới sự di chuyển tự do hơn của lao động và vốn. Do vậy, nhiều hãng chế tạo ô tô sẽ thực thi chiến lược “Thái Lan+1”.

Sau khi AEC hình thành, bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp ô tô ASEAN có thể sẽ không thay đổi nhiều. Ảnh: Thế Duyệt-TTXVN

Ý tưởng của chiến lược này là đặt cơ sở sản xuất chính ở Thái Lan và cơ sở sản xuất phụ ở một nước thành viên ASEAN khác như Campuchia, Việt Nam, Lào hay Myanmar.

Mục đích của chiến lược là tăng dần năng lực sản xuất ô tô ở các thị trường được dự báo có sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu. Điều này có thể sẽ làm suy giảm vị thế của Thái Lan trong ngành công nghiệp ô tô ở ASEAN.

Mặc dù vậy, trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 6/2015, Moody’s vẫn dự báo sau khi AEC ra đời, “xứ chùa Vàng” vẫn sẽ là nước sản xuất ô tô lớn nhất ở ASEAN.

Tuy nhiên, Moody’s cảnh báo thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp ô tô Thái Lan đến từ bên ngoài. Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là những đối thủ đáng gờm nhất đối với Thái Lan ở Đông Nam Á.

Năm 2014, sản lượng ô tô của Trung Quốc là 24 triệu chiếc, cao gấp 10 lần sản lượng của Thái Lan. Về xuất khẩu, Ấn Độ đã xuất khẩu 700.000 chiếc ô tô trong năm 2014, chỉ kém Thái Lan 182.000 chiếc.

Moody’s lưu ý rằng tất cả các hãng chế tạo ô tô lớn trên thế giới đã thâm nhập thị trường Ấn Độ và thiết lập cơ sở sản xuất ở quốc gia Nam Á này để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường toàn cầu./.

Thanh Tùng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục