Cao Bằng lý giải nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm

16:45' - 10/12/2024
BNEWS Đến ngày 30/11, tỉnh Cao Bằng giải ngân vốn đầu tư công đạt 45,8% kế hoạch (khoảng 2.791/6.100 tỷ đồng).

Trong số đó, vốn năm 2023 kéo dài giải ngân đạt 48,3% kế hoạch; vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân đạt 45% kế hoạch. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Cao Bằng còn chậm và đạt tỷ lệ thấp hơn mức trung bình của cả nước.

 

Nguyên nhân được lý giải là số vốn bố trí cho các dự án lớn gặp nhiều vướng mắc như, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư với số vốn hơn 1.934 tỷ đồng (chiếm 31,6% kế hoạch vốn năm 2024). Tuy nhiên, kết quả giải ngân mới được trên 879 tỷ đồng, đạt 45,5% kế hoạch. Nguyên nhân xác định là giải phóng mặt bằng ở một số vị trí đoạn tuyến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện chưa phê duyệt được phương án đền bù, dẫn đến không có cơ sở tực hiện giải phóng mặt bằng...

Do đó, việc giải phóng mặt bằng chậm đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án. Một số dự án chậm tiến độ như, dự án Nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm); Cải tạo, năng cấp đường giao thông Chu Trinh (thành phố Cao Bằng) - Hồng Nam (huyện Hòa An); Xây dựng mới Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng. Trong số đó phải kế đến dự án Nâng cấp, xây dựng mới Trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng, đã không chủ động được trong giải phóng mặt bằng. Hiện tại, số vốn giao thực hiện dự án hơn 35 tỷ đồng thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vẫn chưa được giải ngân...

Nguồn vật liệu khan hiếm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các dự án. Trong khi các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm thiếu trầm trọng nguồn cung đá xây dựng thì thành phố Cao Bằng, huyện Quảng Hoà, Hoà An, Thạch An lại thiếu nguồn đất đắp phục vụ các dự án. Tuy nhiên, trên địa bàn chưa có đơn vị được cấp phép khai thác đất san lấp.

Ngoài ra là các vướng mắc của các chương trình mục tiêu quốc gia như văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp. Một số nội dung văn bản còn khó thực hiện, chưa phân cấp triệt để để địa phương chủ động. Đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương về sử dụng nguồn vốn đầu tư thực hiện “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý”.

Cùng với đó, kết quả giải ngân thấp còn nằm ở một số thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, các đơn vị quản lý vốn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa quyết tâm, nỗ lực và chưa có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án. Một số cán bộ, công chức chưa tích cực, chủ động trực tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, nảy sinh tâm lý sợ sai, né tránh đùn đẩy trách nhiệm... Một số nhà thầu chưa thật sự quyết tâm tăng cường, máy móc, thiết bị nhân lực tăng ca, tăng kíp thi công bù vào những ngày thời tiết không thuận lợi, bị động khi thi công vào thời điểm thời tiết không thuận lợi, dẫn đến một số gói thầu còn chậm...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng Lưu Công Hữu cho biết, giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư dự án...

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đặc biệt ưu tiên tăng cường, huy động, thậm chí bổ sung thêm nhân sự để thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn; đôn đốc các nhà thầu thi công, tư vấn tăng cường nhân, vật lực, “tăng ca, tăng kíp” “chạy nước rút” tăng tốc thi công công trình;  quyết liệt, hiệu quả trong bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án và tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Bên cạnh đó, chú trọng giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài sang năm 2024, hạn chế tối đa việc không giải ngân hết vốn và bị thu hồi về ngân sách nhà nước theo quy định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục