Cao điểm thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU

12:44' - 14/11/2024
BNEWS Sáng 14/11, UBND tỉnh Bình Thuận họp đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Cao điểm tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để làm việc với Đoàn kiểm tra Ủy ban châu Âu (EC) do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức vào sáng 14/11.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn.

 
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh mạnh việc xác minh nguyên nhân tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), để có hành thức xử lý nghiêm, phù hợp với từng trường hợp; không để tồn đọng kéo dài các trường hợp chưa xác minh tàu cá mất kết nối VMS và phải làm triệt để trong tháng 11 này.

Các đơn vị cũng cần có sự nỗ lực cao nhất, phối hợp để sớm hoàn thành đăng ký toàn bộ tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh. Tất cả tàu cá “3 không” phải xử lý xong trước ngày 20/11. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần có sự thay đổi các làm phù hợp, mang lại hiệu quả, làm quy trình đơn giản hơn cho bà con ngư dân dễ đăng ký đối với một số vấn đề như: Ghi nhật ký, giấy chứng nhận an toàn thủy sản, giấy cam kết…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Tháng 11 là tháng cao điểm thực hiện chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương về chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC; đặc biệt là tập trung cao điểm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, các đơn vị cần tập trung giải quyết những công việc còn tồn đọng, để đạt kết quả cao nhất; phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tốt nhất trong thời gian còn lại để làm việc với Đoàn kiểm tra EC.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Với quyết tâm cao nhất cùng cả nước chung tay gỡ “thẻ vàng”, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.

Nổi bật, các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản, chống khai thác IUU, trọng tâm là các hình thức, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, Nghị quyết số 04/NQ-HĐTA ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản và triển khai Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử.

Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền 1.300 buổi với hơn 73.600 lượt ngư dân; yêu cầu 8.600 lượt thuyền trưởng, chủ phương tiện viết cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì chiến dịch tuyên truyền với tần suất 4 lần/tuần liên tục trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã và các phương tiện truyền thông cơ sở; Tổ chức Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại các trường trung học phổ thông…

Để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, theo dõi giám sát chặt chẽ đối với 173 tàu cá có nguy cơ cao, cập nhật hiện trạng hoạt động, vị trí neo đậu hàng tuần của từng tàu cá. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh duy trì 6 điểm trực giám sát tàu cá, phối hợp với các lực lượng chức năng theo dõi, nắm tình hình giám sát chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển, kịp thời phát hiện các tàu cá đang hoạt động ở khu vực giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định.

Đến nay, chưa phát hiện tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Chi cục Thủy sản tổ chức trực ban 24/7 tại Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh để theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, nhất là tàu cá hoạt động tại các vùng giáp ranh để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn, không để tàu cá vượt ranh giới vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài.

Để giám sát tàu cá, Bình Thuận đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 1.999 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên. Ngoài hỗ trợ chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ cho khoảng 1.950 tàu cá trong 3 năm là 12, 285 tỷ đồng.

Bám sát khuyến nghị của EC, việc thống kê tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác luôn được chú trọng. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 45.000 lượt tàu cá cập, rời cảng; thực hiện giám sát 47.000 tấn hải sản bốc dỡ qua cảng; thu nộp 13.257 sổ nhật ký khai thác…

Tại cuộc họp, nhiều giải pháp được các đại biểu đề ra nhằm khắc phục khuyến nghị, chuẩn bị sẵn sàng cho Đoàn kiểm tra EC sắp tới, như: Tiếp tục quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao, kiên quyết không để tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; thống kê tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến, nâng sản lượng thủy sản được thống kê, giám sát phù hợp với thực tế đánh bắt.

Bên cạnh đó, các đơn vị, ngành chức năng tiếp tục tập trung cao điểm chốt chặn tại các cửa sông, cửa biển và tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu các tại các cảng cá, bãi ngang để xử lý vi phạm; đặc biệt xử lý nghiêm khắc các vi phạm quy định về VMS, không đảm bảo điều kiện hành nghề…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục