Cấp điện an toàn, ứng phó với thời tiết cực đoan mùa nắng nóng

07:37' - 02/06/2022
BNEWS Theo dự báo, công suất cực đại (Pmax) mùa hè năm 2022 khu vực phía Bắc tăng trưởng từ 12 – 15%, đạt khoảng 16.500 – 16.950MW (tăng hơn 2.000 MW so với mùa hè 2021).

Theo dự báo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), công suất cực đại mùa nắng nóng năm 2022 khu vực miền Bắc dự báo tăng trưởng cao, trong khi nguồn điện bổ sung không nhiều và điều này sẽ khiến việc cung ứng điện đối mặt với nhiều khó khăn. EVNNPC đã và đang có những giải pháp để cung cấp điện an toàn, tin cậy.

*Chủ động giải pháp kỹ thuật

Thanh Hóa là một trong những địa bàn khu vực phía Bắc chịu áp lực lớn vận hành lưới điện trong điều kiện công suất cực đại Hè năm 2022 tăng cao, từ 12-15%.

Theo ông Hoàng Hải, Phó giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa), ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng phương án để bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện liên tục, an toàn, ổn định phục vụ yêu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh trong mùa nắng nóng.

Công ty luôn chủ động bố trí phương thức vận hành nguồn lưới điện hợp lý trong điều kiện bình thường và linh hoạt chuyển đổi trong tình huống sự cố.

"Chúng tôi đã tổ chức diễn tập phương án xử lý sự cố, chủ động về nhân lực, vật tư và phương tiện để kịp thời khắc phục các sự cố có thể xảy ra trong thời gian sớm nhất”, ông Hoàng Hải cho biết.

 

Theo kế hoạch, PC Thanh Hóa tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng tổng thể hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh nhằm đề ra các biện pháp và lên phương án cấp điện trong năm 2022. Đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo các điện lực trực thuộc tập trung vệ sinh, bảo dưỡng lưới điện, tăng cường kiểm tra, xử lý các khiếm khuyết, cũng như ngăn chặn các sự cố chủ quan có thể xảy ra.

Mặt khác, Công ty cũng tiến hành theo dõi tình trạng đầy tải hoặc quá tải, lệch pha máy biến áp phân phối; lên phương án luân chuyển các máy biến áp phù hợp với nhu cầu phụ tải điện tại từng khu vực. Các giải pháp giảm tổn thất điện năng bao gồm các nguyên nhân liên quan đến tổn thất kỹ thuật và tổn thất thương mại cũng được chú trọng triển khai. Công tác thí nghiệm định kỳ, sửa chữa lớn cũng được khẩn trương thực hiện để bảo đảm lưới điện vận hành an toàn trong điều kiện nắng nóng, phụ tải tăng cao.

Để tăng cường nguồn cấp, tránh quá tải các thiết bị trên lưới điện vào cao điểm mùa Hè, công ty cũng tiếp tục nỗ lực đóng điện các dự án lưới điện quan trọng; đẩy nhanh tiến độ đóng điện các dự án 220 kV Khu kinh tế Nghi Sơn và thành phố Sầm Sơn trong năm 2022.

Tại tỉnh Nghệ An, mặc dù nắng nóng diễn ra muộn hơn so với năm trước, song do dịch bệnh được kiểm soát, tiêu thụ điện dự kiến sẽ tăng cao do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sau dịch bệnh, hoạt động dịch vụ du lịch gia tăng, áp lực cung cấp điện ổn định, liên tục cũng hết sức nặng nề.

Ông Lê Quang Thanh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết, về dự báo phụ tải, công suất tải Pmax của toàn tỉnh có thể xấp xỉ ngưỡng 950 MW, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Giải pháp quan trọng và cơ bản nhất được đơn vị xác định là tăng công suất cung ứng điện, với việc nhanh chóng hoàn thành xây dựng các trạm biến áp, đường dây cấp điện cho các khu vực trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện đã được công ty triển khai và thực hiện xong. Chẳng hạn như: thi công xong 70 hạng mục sửa chữa lớn; hoàn thiện nhiều xuất tuyến chống quá tải, kết nối liên thông mạch vòng để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện các lộ đường dây; hoàn thành xuất tuyến đường dây trung áp sau trạm biến áp 110 kV Hưng Nguyên kết nối liên thông mạch vòng lộ 476E15.1; đóng điện 16 trạm biến áp để bổ sung xuất tuyến, giảm bán kính cấp điện lưới điện hạ áp, giảm tổn thất điện năng khu vực thuộc thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai và các huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương, Hưng Nguyên.

*Xây dựng phương án điều chỉnh phụ tải

Cùng với cả nước, các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Bắc đang phục hồi và phát triển trở lại sau thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, kéo theo nhu cầu điện tăng trưởng mạnh.

Theo dự báo, công suất cực đại (Pmax) mùa hè năm 2022 khu vực phía Bắc tăng trưởng từ 12 – 15%, đạt khoảng 16.500 – 16.950MW (tăng hơn 2.000 MW so với mùa hè 2021). Trong khi đó, sự bổ sung nguồn điện so với hè 2021 tại miền Bắc là rất hạn chế.

Để đảm bảo cung cấp điện cho Hè năm 2022, EVNNPC đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện và xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên.

Đặc biệt, EVNNPC đã xây dựng các phương án điều chỉnh phụ tải (DR), làm việc với chính quyền địa phương và các khách hàng lớn trong việc chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nhằm dịch chuyển việc sử dụng điện sang các giờ thấp điểm và bình thường.

Theo lãnh đạo EVNNPC, để đảm bảo an ninh cung cấp điện, rất cần sự ủng hộ, tham gia của các khách hàng sử dụng điện trong chương trình DR. Chương trình DR hiện nay đang triển khai đối với các khách hàng sản xuất, kinh doanh có nhu cầu sử dụng điện lớn.

Đối với các hộ gia đình hiện nay chưa bắt buộc tham gia chương trình, tuy nhiên ngành điện vẫn khuyến khích các hộ gia đình tham gia và sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Tại Nghệ An, Công ty điện lực tỉnh này đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 500.000 kWh/năm đến dưới 01 triệu kWh/năm đã tham gia ký kết chương trình điều chỉnh phụ tải để có kế hoạch điều chỉnh thời gian sử dụng điện.

Cụ thể, khi có thông báo của ngành điện, các doanh nghiệp này sẽ tiết giảm công suất vào các khung giờ cao điểm (từ 11h30 – 16h00 và từ 20h30 – 24h00 hàng ngày) nhằm đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn và ổn định.

Công ty TNHH thép Hòa Phát Hưng Yên có trụ sở tại KCN Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên đang là một khách hàng sử dụng điện tại Hưng Yên. Đại diện công ty ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy luyện cán thép cho biết, giai đoạn 2019-2020, Thép Hòa Phát Hưng Yên đã phối hợp với Công ty Điện lực Hưng Yên thực hiện 5 sự kiện DR có kế hoạch với mức tiết giảm công suất lớn nhất là 25 MW. Đặc biệt trong năm 2021 thực hiện giảm một số phụ tải trong những thời điểm cao điểm mùa Hè khi lưới điện thiếu nguồn.

Ông Tuấn cùng đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia DR kiến nghị, chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại chưa có cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia về mặt tài chính. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính thiết thực hơn khi doanh nghiệp thực hiện DR nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cung ứng điện cho đời sống dân sinh...

Theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch EVNNPC, nếu như năm 2019, tham gia chương trình DR tự nguyện với EVNNPC mới có 2.440 khách hàng (chiếm tỷ lệ 84%), thì đến năm 2020, chương trình DR của EVNNPC đã thu hút 3.303 khách hàng tham gia (đạt tỷ lệ 95,4%) và năm 2021 đã có 3.225 khách hàng tham gia tại 27 tỉnh miền Bắc với tổng tiềm năng tiết giảm khoảng 1.000 MW điện.

Các khách hàng tham gia chương trình DR tự nguyện đã dịch chuyển thời gian sản xuất đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và công suất hoạt động của máy móc nhưng vẫn tiết kiệm được một sản lượng điện nhất định.

Từ đó, đảm bảo chia sẻ cùng ngành điện trong những thời điểm thời tiết thiên tai nắng nóng cực đoan có khó khăn về nguồn cung ứng điện phải điều chỉnh phụ tải, điều tiết vận hành để đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện Quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục