Cập nhật COVID-19 ngày 2/6: Thế giới có hơn 6,3 triệu người mắc, Việt Nam 0 ca mới

06:14' - 02/06/2020
BNEWS Cập nhật COVID-19 đến 6h sáng 2/6, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên thế giới đã hơn 6,3 triệu người, tăng 96.150 người so với 24 giờ trước. Tại Việt Nam đến 6h sáng 2/6, không ghi nhận ca mắc mới.
Danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới. Ảnh: worldometer.info

Cập nhật mới nhất COVID-19 theo thống kê của worldometers.info, tính đến 6h sáng 2/6 (theo giờ Việt Nam), đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 376.805 người trên toàn cầu, tăng 2.667 người so với 24h trước.

Số ca mắc COVID-19 tính đến thời điểm này trên toàn cầu đã lên tới 6.355.400 người, tăng 96.150 người so với 24 giờ trước.

Là nước có số ca mắc COVID-19 lớn nhất thế giới, Mỹ cũng tiếp tục là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới với 106.877 người (tăng 682 người). Tiếp đó là Anh với 39.045 người tử vong (tăng 111 người), Italy với 33.475 người tử vong (tăng 60 người), Brazil với 29.777  người tử vong (tăng 463 người) và Pháp với 28.833 người tử vong (tăng 31 người).

Số bệnh nhân khỏi bệnh là gần 2,9 triệu người. Số bệnh nhân đang điều trị trên toàn cầu là hơn 3 triệu ca với 2% số này trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.

Còn tại Việt Nam, cập nhật 6h ngày 2/6, 0 ca mắc mới. Tính đến giờ, Việt Nam có 328 ca mắc COVID-19. Đặc biệt, hôm nay là ngày thứ 47 liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. 

DIỄN BIẾN CHÍNH VỀ DỊCH COVID-19 TRONG 24H QUA

*Nga sẽ phân phối thuốc kháng virus Avifavir từ 11/6 

Các bệnh viện Nga có thể bắt đầu phân phát thuốc Avifavir cho bệnh nhân từ 11/6. Lượng thuốc được sản xuất đủ để điều trị khoảng 60.000 bệnh nhân mỗi tháng.

Trước đó, ngày 31/5, Bộ Y tế Nga đã cấp phép lưu hành thuốc kháng virus SARS-CoV-2, được đăng ký dưới tên thương mại Avifavir. Đây là loại thuốc đầu tiên điều trị COVID-19 được cơ quan y tế Nga cấp phép sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm.

*Ứng dụng công nghệ theo dõi tiếp xúc

Châu Á là khu vực đầu tiên sử dụng các ứng dụng theo dõi tiếp xúc. Trung Quốc đại lục đã triển khai một số ứng dụng dùng công nghệ định vị trực tiếp qua mạng di động hoặc dữ liệu được thu thập gián tiếp qua các chốt kiểm tra tại đường cao tốc, sân bay và nhà ga. Người dân được phân loại theo màu xanh, vàng hoặc đỏ dựa trên lịch sử đi lại và tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, qua đó xác định xem liệu họ có thể tới những địa điểm công cộng hay không. 

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra các cảnh báo qua điện thoại di động để thông báo các địa điểm mà những bệnh nhân COVID-19 lui tới, đồng thời chỉ thị tất cả những người được yêu cầu cách ly phải cài một ứng dụng theo dõi trên điện thoại. 

Chính phủ Ấn Độ triển khai ứng dụng Aarogya Setu (Cầu nối sức khỏe) từ tháng Tư. Hơn 100 triệu lượt tải ứng dụng về điện thoại, chiếm chưa đầy 1/10 dân số do cứ 4 người chỉ có 1 người dùng điện thoại thông minh tại quốc gia Nam Á này.

Australia cho ra mắt ứng dụng COVIDSafe, thu hút 6,1 triệu lượt tải về trong số khoảng 15 triệu người dùng điện thoại thông minh tại “xứ sở chuột túi”.

Tại Trung Đông, một số nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Bahrain đã triển khai các ứng dụng “truy dấu” bằng công nghệ bluetooth. Bộ Y tế Israel tung ra ứng dụng Hamagen (được gọi là “Tấm chắn”) sử dụng dữ liệu GPS của điện thoại và có nhiều phiên bản ngôn ngữ khác nhau.

Tại Mỹ, 3 bang gồm Alabama, Bắc Dakota và Nam Carolina tuyên bố ứng dụng công nghệ theo dõi tiếp xúc của các hãng Apple và Google, trong khi các bang khác phát triển những hệ thống riêng như ứng dụng Crush Covid của Rhode Island thu thập dữ liệu GPS.

*Châu Âu dần mở cửa trở lại

Tại Nga, cho dù số ca nhiễm đang đứng thứ 3 thế giới, thủ đô Moskva vẫn quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó các trung tâm thương mại và công viên được mở cửa trở lại từ ngày 1/6. Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo dịch bệnh ở Nga đã qua đỉnh. 

Tuy nhiên, lệnh cấm tụ tập đông người vẫn duy trì trong thời gian cách ly toàn Moskva mà theo quy định sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 14/6 tới. 

Trong ngày 1/6, Anh bắt đầu mở cửa trở lại một phần các trường học và cho phép những đối tượng dễ bị tổn thương nhất ra ngoài. 

Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Na Uy cũng "bật đèn xanh" cho các nhà hàng, quán rượu mở cửa đón khách hậu phong tỏa, trong khi đó Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo ông đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

*Nhiều nước châu Á nới lỏng phong toả

Ấn Độ đã vượt Pháp trở thành nước có số ca nhiễm nhiều thứ 7 trên thế giới, buộc nhiều bang ở nước này phải kéo dài lệnh phong tỏa. 

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 8.392 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trước tình hình này, nhiều bang đã gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 15/6, thậm chí là 30/6.

Tại Nhật Bản, nhiều điểm du lịch đã đón du khách trở lại, một tuần sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19. Hiện Nhật Bản cũng đang cân nhắc nới lỏng lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Thái Lan, Việt Nam, Australia và New Zealand.

Tại Hàn Quốc, trong bối cảnh thời tiết vào Hè, các bãi tắm biển dần mở cửa, ngày 1/6, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố hướng dẫn phòng dịch COVID-19 và phổ biến cụ thể đến 267 khu tắm biển trên toàn quốc. Theo đó, tại tất cả các khu tắm biển, khoảng cách giữa các phông bạt, ô dù che nắng trên bãi cát phải đảm bảo 2m. Khách tắm biển phải tuân thủ đeo khẩu trang, trừ những lúc vui chơi dưới nước. 

Hàn Quốc có kế hoạch kiểm tra danh tính khách ra vào các hộp đêm, quán ăn, rạp chiếu phim, thậm chí cả nhà thờ, thông qua ứng dụng quét mã QR, sau khi xác định đây là những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao. Trước mắt, việc quét mã QR sẽ được áp dụng thí điểm tại 19 cơ sở ở thủ đô Seoul cùng hai thành phố Incheon và Daejon. 

Tại Triều Tiên, Chính phủ nước này đang lên kế hoạch mở cửa lại các trường học trong tháng Sáu này sau thời gian đóng cửa để phòng đại dịch COVID-19. Theo đó, học kỳ mới sẽ bắt đầu tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc từ đầu tháng 6, trong khi các biện pháp phòng dịch đã được ban hành để mở lại các trường mầm non và nhà trẻ. Cho đến nay, Triều Tiên chưa xác nhận bất kỳ trường hợp mắc COVID-19 nào.

Tại Đông Nam Á, tổng số người mắc COVID-19 đã lên tới 91.180 người, trong đó có 2.770 ca tử vong. 

Thái Lan bước vào giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phong tỏa và các bãi biển đã đón khách trở lại. Thêm nhiều loại hình kinh doanh và dịch vụ như vườn thú, rạp hát, phòng tập được phép mở cửa trở lại, lệnh giới nghiêm cũng được rút ngắn 1 tiếng, chỉ còn từ 23h đêm hôm trước đến 3h sáng ngày hôm sau. 

Trong ngày 1/6, Thái Lan chỉ ghi nhận một trường hợp từ nước ngoài về mắc COVID-19 và không có ca tử vong mới. Đây là ngày thứ 7 quốc gia Đông Nam Á này không phát hiện trường hợp mắc COVID-19 nào trong cộng đồng. Tính đến ngày 1/6, Thái Lan đã xác nhận 3.082 ca mắc bệnh và 57 ca tử vong.

Tại Philippines, Thủ đô Manila đã mở cửa trở lại sau gần 3 tháng áp dụng phong tỏa. Tuy nhiên, các trường học, quán bar, nhà hàng vẫn phải đóng cửa. Hiện cả trẻ em và người lớn tuổi ở Philippines vẫn phải ở nhà trừ khi cần ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Philippines hiện có số ca nhiễm cao thứ ba và số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á. 

*Dịch vẫn phức tạp tại Trung Đông-châu Phi

Ở khu vực Trung Đông, Iran chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày tăng cao nhất trong gần hai tháng. Cụ thể, nước này đã ghi nhận thêm 2.979 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên thành 154.445 người, trong đó có 7.878 ca tử vong sau khi có thêm 81 ca tử vong. 

Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki cảnh báo nước này có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới nghiêm trọng hơn nếu người dân không tuân thủ các hướng dẫn và các quy định về giãn cách xã hội. 

Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã buộc thủ đô Abu Dhabi phải ban hành lệnh phong tỏa trong vòng 1 tuần kể từ ngày 2/6.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết tính đến chiều 31/5, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng hơn 144.000 trường hợp mắc COVID-19 và 4.200 ca tử vong. Hiện đại dịch này đã lây lan ra 54/55 quốc gia châu Phi, trong đó khu vực Bắc Phi là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất./.

>>>CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục