Cập nhật COVID-19 ngày 27/5: Mỹ Latinh trở thành điểm nóng mới, Việt Nam không ca mắc mới

06:33' - 27/05/2020
BNEWS Theo diễn biến mới nhất về COVID-19 trên thế giới, Mỹ Latinh đã trở thành điểm nóng mới của đại dịch với tốc độ lây lan gây quan ngại cho WHO.

 

Cập nhật mới nhất về COVID-19 trên trang thống kê worldometers.info cho thấy, tính đến 5h50 ngày 27/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã có 350.615 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong tổng số 5.660.246 ca nhiễm chủng virus nguy hiểm này.

Số ca tử vong tại Mỹ lên tới trên 100.000 người trong khi số ca nhiễm đạt tới 1.724.044 người.

Xếp sau Mỹ về số ca nhiễm là Brazil với 377.780 ca nhiễm và 23.622 ca tử vong, Nga với 362.342 ca nhiễm song tỉ lệ tử vong khá thấp với 3.807 ca, Tây Ban Nha với 283.339 ca nhiễm và 27.117 ca tử vong, và Anh với 265.227 ca nhiễm và 37.048 ca tử vong.

Số liệu thống kê của Tây Ban Nha và Anh được điều chỉnh trong bối cảnh các nước châu Âu đều đang nỗ lực thống kê lại số ca tử vong do COVID-19.

Còn tại Việt Nam, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 27/5: 41 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính đến 6h ngày 27/5: Việt Nam có tổng cộng 187 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Tính từ 18h ngày 26/5 đến 6h ngày 27/5: 0 ca mắc mới.

 

DIỄN BIẾN CHÍNH VỀ DỊCH COVID-19 TRONG 24H QUA

*Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 26/5 dự báo khu vực Mỹ Latinh - "tâm chấn" mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sắp trải qua những tuần lễ cực kỳ khó khăn về diễn biến tình hình dịch bệnh.

Mỹ Latinh đã trở thành điểm nóng mới của đại dịch COVID-19 với tốc độ lây lan gây quan ngại cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo WHO, tâm dịch khu vực là Brazil sẽ có thể đạt tới con số cao nhất là 1.020 người tử vong mỗi ngày vào ngày 22/6 và tới ngày 4/8, quốc gia Nam Mỹ này có thể có tới 88.300 người chết do COVID-19, gấp 4 lần con số được ghi nhận chính thức cho tới thời điểm hiện nay.

Theo số liệu chính thức, tính đến ngày 25/5, khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận tổng cộng 740.244 ca mắc COVID-19. Trong đó, Brazil và Mexico là hai nước có nhiều trường hợp tử vong nhất, lần lượt là 22.666 và 7.394.

*MỹCanada đang chạy đua để điều chế vaccine phòng SARS-CoV-2. Tổ chức nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và vaccine - Trung tâm Vaccine quốc tế (VIDO-InterVac) thuộc Đại học Saskatchewan của Canada thông báo vaccine phòng virus SARS-CoV-2 của cơ sở này đã đạt được những kết quả khả quan khi thử nghiệm trên động vật. Thành công bước đầu này sẽ đặt nền móng để vaccine trên sớm được thử nghiệm trên người.

Trong khi đó, Novavax, một công ty công nghệ sinh học Mỹ, đang bắt đầu thử nghiệm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 trên người ở Australia với hy vọng sẽ bào chế được một loại vaccine hiệu quả trong năm nay.

*Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã nhất trí cùng hành động tiến tới chặn đứng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời tìm ra thuốc điều trị và vaccine phòng căn bệnh nguy hiểm này. Cam kết được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến đầu tiên giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 26/5.

*Tại châu Âu, một số nước tiếp tục ghi nhận diễn biến dịch bệnh theo chiều hướng tích cực.

Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic tuyên bố nước này đã khống chế thành công dịch COVID-19 khi trong 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới và cũng chỉ 69 ngày sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.

Bộ Y tế Ba Lan khẳng định nước này đã qua đỉnh dịch khi số ca mắc mới tăng chậm lại và không còn bùng nổ như thời gian trước. Đến nay, Ba Lan ghi nhận tổng cộng 21.631 ca mắc bệnh và 1.007 ca tử vong.

Thủ tướng CH Séc Andrej Babis tuyên bố quốc gia này và Slovakia sẽ mở lại biên giới trong tuần này, cho phép người dân hai bên qua lại tối đa trong 48 giờ, bắt đầu từ ngày 27/5, mà không phải  tiến hành xét nghiệm hay cách ly. CH Séc cũng mở cửa biên giới với Áo và Đức từ ngày 26/5 nhưng yêu cầu người nhập cảnh cung cấp chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.

Luxembourg cũng thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 27/5, cho phép các quán cà phê và nhà hàng mở cửa trở lại, các hoạt động kỷ niệm và nghi lễ tôn giáo cũng sẽ được tiến hành với các điều kiện nghiêm ngặt.

*Trong khi đó, một số quốc gia Đông Âu khác vẫn đang “căng mình” chống dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của LB Nga cập nhật số liệu cho thấy tính đến sáng 26/5 nước này ghi nhận thêm 8.915 ca nhiễm, nâng tổng số lên 362.342 người (tăng 2,5%).

Trong số các ca mới, 3.668 ca (tương đương 41,1%) không có biểu hiện lâm sàng. Trong vòng 24 giờ có thêm 12.331 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 131.129 người; đồng thời có thêm 174 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 3.807.

Bộ Y tế Ukraine cho biết tính đến 9h00 sáng 26/5 (theo giờ địa phương), nước này ghi nhận thêm 339 ca mới, đưa tổng số lên 21.584 ca. Trong vòng 24 giờ, Ukraine có 341 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số ca xuất viện lên 7.575 và 21 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 644 ca.

Bộ Y tế Belarus cho biết tính đến hết ngày 25/5, nước này ghi nhận 37.144 ca nhiễm. Như vậy, so với 1 ngày trước đó, Belarus có thêm 946 ca mới, 294 ca được chữa khỏi (nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 14.449), 5 ca tử vong (nâng tổng số ca tử vong lên 204).

*Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo thêm 7 ca mới tại Trung Quốc đại lục, đều là người từ nước ngoài nhập cảnh. Theo đó, tổng số ca nhiễm nhập cảnh đến nay là 1.731 ca. N

HC nêu rõ không có lây nhiễm trong cộng đồng và không có ca tử vong mới. Trong khi đó, thêm 9 bệnh nhân bình phục và được xuất viện, hiện chỉ còn 81 bệnh nhân đang được điều trị. Đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 82.992 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong.

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 11 ngày liên tiếp. Mọi trường hợp nhập cảnh Hong Kong đều không được phép vào thành phố cho đến khi có kết quả xét nghiệm và những người có kết quả dương tính đều bị cách ly ngay lập tức.

Chính quyền Hong Kong thông báo sẽ nối lại một phần các dịch vụ quá cảnh tại sân bay quốc tế từ ngày 1/6 tới sau khi phải ngừng từ ngày 25/3.

Trong khi đó, nội các Thái Lan quyết định kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng 6 theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).

Ngày 26/5, truyền thông Indonesia đưa tin số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Indonesia dự kiến sẽ tăng mạnh vào tuần tới do nhiều người vi phạm các quy định về giãn cách trong kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri.

143 trẻ em ở nước này đã tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

*Tại Trung Đông, các nhà hàng, quán cà phê ở Iran đã được phép mở cửa trở lại từ ngày 26/5 sau hơn 2 tháng đóng cửa do dịch COVID-19.

Cũng trong ngày, nhà thờ Giáng sinh ở thành phố Bethlehem ở khu Bờ Tây mở đón khách tham quan sau gần 3 tháng đóng cửa do đại dịch.

Bộ Nội vụ Saudi Arabia có kế hoạch dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc do đại dịch từ ngày 21/6, ngoại trừ thánh địa Mecca.

*Một ổ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới được phát hiện ngày 26/5 trên một tàu chở hàng bỏ neo ở cảng Fremantle bờ biển phía Tây Australia.

6 trong số 48 thủy thủ trên tàu Al Kuwait có xét nghiệm dương tính với COVID-19, 4 ngày sau khi con tàu từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) này cập cảng để chở cừu xuất khẩu của Australia.

>>>CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục