Cập nhật mới nhất COVID-19 thế giới sáng 5/5: Ca tử vong vượt 250.000 người

08:09' - 05/05/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất COVID-19 thế giới sáng 5/5, ca tử vong trên toàn cầu vượt 250.000 người. Số ca tử vong mới trong ngày ở Mỹ thấp nhất trong 1 tháng qua.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 trên thế giới, theo hãng tin Pháp AFP, hơn 1/4 triệu người trên toàn cầu đã tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với hơn 85% số ca tử vong này ở châu Âu và Mỹ.

Thống kê của AFP tính đến 5h30 ngày 5/5 (theo giờ Việt Nam) cho thấy Mỹ ghi nhận tới 68.689 ca tử vong, mức cao nhất của một quốc gia. Còn theo thống kê của đại học Johns Hopkins công bố sáng cùng ngày, trong 24 giờ qua, số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ là 1.015 ca, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. Trong khi đó, châu Âu là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 145.023 ca tử vong.

Sau Mỹ, Italy là quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai (29.079 ca, tiếp đến là Vương quốc Anh (28.734), Tây Ban Nha (25.428) và Pháp (25.201). Châu Âu có tới hơn 1,5 triệu ca nhiễm được xác nhận nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn do nhiều nước đang mới chỉ xét nghiệm những ca bệnh nặng.

>>> Cập nhật COVID-19 thế giới sáng 5/5: Italy bắt đầu giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp

Kể từ khi xuất hiện ở Trung Quốc tháng 12/2019, COVID-19 đã trở thành đại dịch khiến hơn 3,5 triệu người bị nhiễm và gây ra những tác động kinh tế nặng nề với toàn cầu.

Trong khi đó, theo trang web chuyên về thống kê wordometers.info, tính đến 7h30 ngày 5/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 3.642.066 ca nhiễm và 252.022 ca tử vong. Số ca đã bình phục là 1.193.990 ca trong khi số ca nặng là 49.634 ca. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 212 quốc gia và vùng lãnh thổ.

* Sau 55 ngày phong tỏa trên toàn quốc, Italy, quốc gia từng là tâm dịch của châu Âu, vừa chính thức bước vào giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh là giai đoạn "sống chung" cùng virus SARS-CoV-2.

Theo đó, người dân Italy có thể di chuyển trong vùng khu vực sinh sống, song vẫn không được phép di chuyển tới các vùng khác ngoại trừ lý do khẩn cấp về sức khỏe hoặc công việc.

Các công viên được phép mở cửa trở lại. Các đám tang có thể được tổ chức nhưng tối đa 15 người tham dự. Tất cả các hoạt động tụ tập đông người nơi công cộng và cá nhân đều bị cấm.

Yêu cầu đeo khẩu trang là bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, các cửa hàng, công sở và duy trì khoảng cách an toàn, trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9 tới.

Cùng ngày, công ty công nghệ sinh học Takis của Italy cũng thông báo đã thử nghiệm thành công trên chuột kháng thể chống virus SARS-CoV-2 từ vaccine do hãng này nghiên cứu. Kết quả này mở ra hy vọng sớm điều chế thành công vaccine phòng COVID-19.

* Trong khi đó, Đức cảnh báo về hành động quá vội vàng trong việc mở cửa biên giới ở châu Âu trong bối cảnh số liệu mới nhất cho thấy số ca lây nhiễm mới chưa có dấu hiệu suy giảm rõ rệt.

Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Horst Seehofer cho biết Berlin đã quyết định kéo dài lệnh kiểm soát biên giới với Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Luxemburg và Đan Mạch cho tới ngày 15/5 và sau đó các hạn chế sẽ dẫn được nới lỏng.

Các quy định liên quan tới các chuyến bay từ Tây Ban Nha và Italy cũng sẽ được tiếp tục gia hạn. Bộ trưởng Seehofer cảnh báo việc mở cửa quá vội vàng biên giới giữa Áo và Đức, nhấn mạnh chừng nào dịch COVID-19 còn hoành hành, Đức sẽ vẫn phải hạn chế kế hoạch đi lại.

* Dịch COVID-19 cũng được cho là nguyên nhân khiến số người thất nghiệp tại Áo tăng lên mức cao trong lịch sử của nước này. Báo cáo mới của Cơ quan Việc làm Áo (AMS) cho thấy trong tháng 4/2020, số người thất nghiệp là 571.477 người, tăng 58% so với mức 361.202 người thất nghiệp cùng thời điểm năm ngoái.

Theo đánh giá của AMS, đây là hệ quả từ tác động của đại dịch COVID-19 làm đình trệ mọi hoạt động kinh doanh và dịch vụ, mọi ngành nghề, khu vực và mọi đối tượng lao động đều bị ảnh hưởng.

* Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến mạnh lên tại châu Mỹ, Mexico đã bắt đầu triển khai Kế hoạch DN-III-E, được kích hoạt trong trường hợp đối phó khủng hoảng, thảm họa thiên tai và đại dịch, huy động sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang ở tất cả các cấp, nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, lực lượng thuộc hai bộ Quốc phòng và Hải quân Mexico sẽ tiếp quản 32 bệnh viện và 48 cơ sở y tế, tăng cường chiến lược ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra và xây dựng bệnh viện dã chiến tại các điểm nóng có tỉ lệ lây nhiễm cao.

Tới nay, Mexico ghi nhận 24.905 ca nhiễm, trong đó có 2,271 ca tử vong. Dự báo đỉnh dịch COVID-19 tại quốc gia này sẽ bắt đầu từ ngày 6/5 và kéo dài trong vòng 3 tuần.

* Trong động thái mới nhất nhằm thúc đẩy nỗ lực phát triển vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trên toàn cầu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của Liên minh châu (EU), Ursula von der Leyen đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức từ thiện để gây quỹ 7,5 tỷ euro (khoảng 8,23 tỷ USD) cho hoạt động này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), ông Antonio Guterres đã hoan nghênh các nhà tài trợ cam kết đóng góp cho mục tiêu gây quỹ để thúc đẩy nỗ lực nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine.

>>> Cập nhật COVID-19 thế giới tối 4/5: Làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở châu Âu đã qua đỉnh

>>>Cập nhật mới nhất Dịch COVID-19 tại đây

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục