Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 17/4

06:06' - 17/04/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tính đến 5h45 sáng 17/4, thế giới đã có hơn 145.000 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2.

 

Theo thống kê trên trang worldometers.info, đến 5h45 ngày 17/4 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có tổng cộng 2.178.149 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 145.329 ca tử vong.
Như vậy, sau 24h, thế giới có thêm 91.817 ca mắc mới và 6.855 ca tử vong.
Trong khi đó, tính đến sáng 17/4, đã có 546.743 ca hồi phục, số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch vẫn còn 56.579 người.

Riêng tại Việt Nam, cập nhật mới nhất dịch COVID-19 từ Bộ Y tế cho biết, không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV tính đến 6h sáng ngày 17/4.

Ca mắc COVID-19 mới nhất tại Việt Nam ghi nhận sáng 16/4 là bệnh nhân nữ, 16 tuổi, quốc tịch Việt Nam, dân tộc Mông, trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp Trung Quốc của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Gia đình bệnh nhân có 3 anh trai làm việc tự do bên kia biên giới.

Trong số 268 ca mắc bệnh, có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7% và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Tính đến hết ngày 16/4, Việt Nam có tổng số 177 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. 91 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh bao gồm bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến. Đa số các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định.
Có 3 bệnh nhân nặng gồm bệnh nhân số 19 và 161 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; bệnh nhân số 91 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự kiến hôm nay 14 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh.

>>> Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam đến sáng 17/4

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH VỀ DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA

*Nền kinh tế số 1 thế giới tuyên bố kế hoạch mở cửa trở lại

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Mỹ, với 675.640 ca nhiễm và 34.522 ca tử vong tính đến 5h45 sáng 17/4, Mỹ tiếp tục bỏ xa các nước khác trên thế giới trong cả hai phương diện này. So với sáng qua, nước này đã tăng thêm 27.637 ca mắc mới và 2.079 ca tử vong.

Cho dù số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ vẫn rất cao, nhưng Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ đã vượt qua đỉnh dịch.

Tổng thống Donald Trump ngày 16/4 (giờ Mỹ) tuyên bố, việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy tình trạng thuyên giảm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: "Cách tiếp cận của chúng tôi sẽ hoạch định 3 giai đoạn trong công tác phục hồi nền kinh tế. Chúng tôi sẽ không mở cửa đồng thời tất cả, mà sẽ triển khai thận trọng từng bước tại từng thời điểm, và một số bang sẽ có thể mở cửa sớm hơn các bang khác".
Tổng thống Trump cũng lưu ý, không phải Nhà Trắng, mà chính là Thống đốc các bang sẽ đảm nhiệm tiến trình trên. Ông Trump nhấn mạnh: "Nếu họ cần duy trì tình trạng đóng cửa, chúng tôi sẽ cho phép họ làm điều đó. Nếu họ cho rằng đã đến lúc mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ chỉ dẫn cho họ và để họ tự quyết nhằm hoàn tất nhanh chóng nhiệm vụ, quyết định của họ phụ thuộc vào điều họ muốn".

Ông Trump rõ ràng đang đứng trước sức ép rất lớn phải ghi điểm đẹp về kinh tế khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần và nước Mỹ lại ghi nhận thêm 5,2 triệu người lao động rơi vào cảnh mất việc làm và xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước.

Số liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 16/4 cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đã mất tổng cộng 22 triệu việc làm kể từ giữa tháng 3 vừa qua, do các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 khiến các công ty, cửa hiệu, nhà hàng phải đóng cửa. Con số mới này đã nâng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên 8,2%.

Thống đốc Andrew Cuomo ngày 16/4 đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tại bang New York đến ngày 15/5 mặc dù số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 được ghi nhận ở bang này trong 24 giờ qua ở mức thấp nhất trong 10 ngày liên tục.

Ông Cuomo cho rằng, cần phải chứng kiến số ca nhiễm giảm nhiều nữa trước khi có thể nới lỏng lệnh phong tỏa tại bang này. Như vậy, 7 bang Đông Bắc Mỹ đã tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa tới ngày 15/5.

>>>​Số người thất nghiệp ở Mỹ tăng cao kỷ lục do dịch COVID-19

*Ổ dịch lớn thứ 2 thế giới tăng cao số ca tử vong

Tây Ban Nha đang là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, Bộ Y tế nước này ngày 16/4 thông báo số ca tử vong do bệnh COVID-19 đã tăng lên thành 19.130 người.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha có thêm 551 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, tăng so với mức 523 một ngày trước đó. Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm 5.183 ca mắc bệnh, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 182.816 ca.

*Italy có dấu hiệu đã qua điểm đỉnh dịch bệnh

Trong khi đó, tại nước láng giềng Italy, sau hơn 5 tuần lệnh phong tỏa được thực thi trên toàn quốc, đã có những dấu hiệu dịch bệnh đã qua điểm đỉnh và sắp kiểm soát được dịch bệnh. Số bệnh nhân trong các bệnh viện đã giảm dần và tỷ lệ nhiễm mới cũng giảm bớt.

Từ ngày 14/4, Italy đã thận trọng nới lỏng phong tỏa đối với một số lĩnh vực kinh tế, trong khi tái tổ chức các khu vực công cộng để bảo vệ tốt hơn, như tiếp tục yêu cầu giãn cách xã hội và đeo khẩu trang và găng tay ở nơi công cộng. Chính phủ dự kiến sẽ dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 3/5 tới.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 cho thấy, Italy có 168.941 ca mắc, tăng 3.786 ca so với sáng qua, trong đó có 22.170 ca tử vong, tăng 525 ca. Tiếp đó là Pháp - quốc gia có lần lượt số ca nhiễm và ca tử vong là 165.027 và 17.920, tăng lần lượt 17.164 và 753 ca trong 24h qua; Đức lần lượt là 137.698 và 4.052, tăng 2.945 ca mắc mới và 248 ca tử vong; Anh là 103.093 và 13.729, tăng 4.617 và 861 ca.

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết dù một số quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 đã ghi nhận những dấu hiệu lạc quan, nhưng số ca nhiễm mới vẫn đang tăng lên và đã vượt mốc 1 triệu người chỉ riêng ở khu vực này.

Trong vòng 10 ngày qua, số ca nhiễm ở châu Âu đã tăng gần gấp đôi. Điều này có nghĩa rằng châu Âu đang gánh 50% gánh nặng toàn cầu về dịch COVID-19 khi hơn 84.000 người ở châu lục này đã tử vong vì virus SARS-CoV-2.

*Trung Quốc tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới từ nước ngoài trở về

Trong khi đó, theo cập nhật mới nhất dịch COVID-19, Trung Quốc đại lục đang đứng thứ 7 trong danh sách các ổ dịch của thế giới. Giới chức y tế Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 46 ca nhiễm mới trong ngày 15/4, trong đó có 34 ca là từ nước ngoài trở về.

Trong thông báo cập nhật sáng 16/4, Ủy ban Y tế quốc gia (NHS) của Trung Quốc nêu rõ trong tổng số các ca mắc mới, có 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng, gồm 5 ca ở tỉnh Quảng Đông, 4 ca ở tỉnh Hắc Long Giang và 3 ca ở thủ đô Bắc Kinh.

Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong do COVID-19 nào, nên tổng số ca tử vong hiện vẫn là 3.342 người. Ngoài ra, có thêm 76 bệnh nhân đã hồi phục trong ngày 15/4.

Tính đến ngày 15/4, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 82.341 ca, trong đó có 1.107 ca vẫn đang được điều trị và  77.892 người đã được xuất viện. Ước tính 8.484 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân hiện đang được theo dõi y tế.

Trong khi đó, tại các khu vực khác thuộc Trung Quốc, tính đến ngày 15/4, khu hành chính đặc biệt Hong Kong đã ghi nhận tổng cộng 1.016 ca nhiễm và 4 ca tử vong, khu hành chính đặc biệt Macau có 45 ca nhiễm và vùng lãnh thổ Đài Loan có 395 ca nhiễm và 6 ca tử vong.

*Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc

Diễn biến mới nhất tại Nhật Bản ngày 16/4, một quan chức Chính phủ cho biết Thủ tướng nước này Shinzo Abe đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch COVID-19. Theo đó, chính quyền các tỉnh, thành sẽ có quyền yêu cầu các trường học và nhiều doanh nghiệp đóng cửa cho đến hết kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, tức là ngày 6/5 tới.

Các số liệu thống kê chính thức cho thấy đến sáng 16/4, số ca mắc tại Nhật Bản đã tăng lên 9.442 người, trong đó có 712 người trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu tại cảng Yokohama. Số người tử vong là 192 người, trong đó có 13 người trên du thuyền Diamond Princess. 

>>>Dịch COVID-19: Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc

*Hàn Quốc lo ngại số ca mắc bệnh tăng cao sau bầu cử

Còn tại Hàn Quốc, Cơ quan Y tế nước này ngày 16/4 tuyên bố sẽ theo dõi nguy cơ số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng lên sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.
Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kim Ganglip cho biết: "Do thời gian ủ bệnh lâu nên chúng tôi phải chờ một hoặc hai tuần để xem các biện pháp kiểm dịch trong ngày bầu cử có thực sự hiệu quả hay không".
Trước đó, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử kể từ khi dịch COVID-19 hoành hành toàn cầu. Kết quả sơ bộ cho thấy đảng Dân chủ đồng hành (DP) cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử này.
Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt mức cao nhất trong 28 năm qua. Các biện pháp kiểm dịch đã được thực hiện tại các địa điểm bỏ phiếu như đeo khẩu trang, găng tay và kiểm tra thân nhiệt ở lối vào.
Trong tuần qua, Hàn Quốc ghi nhận trên dưới 50 ca mắc mới mỗi ngày, giảm mạnh so với mức cao nhất vào ngày 29/2 là 909 ca. Ngày 16/4, số ca mắc mới đã giảm xuống mức thấp nhất (22 ca). Tuy nhiên, những lo ngại đã xuất hiện khi hơn 10.000 người trong diện phải tự cách ly đã đến các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Những người không sốt hoặc có triệu chứng hô hấp được phép rời khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 17h20 – 19h giờ tối 15/4 để tham gia bỏ phiếu sau khi các cử tri khác bỏ phiếu xong.

Thái Lan chế tạo máy tiệt trùng khẩu trang

*Singapore ghi nhận kỷ lục về số ca mới trong ngày

Bộ Y tế Singapore ngày 16/4 đã xác nhận thêm 728 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức kỷ lục về số lượng ca bệnh mới trong một ngày ở Singapore, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 4.427 người. Con số mới được ghi nhận này cao hơn so với con số 447 ca của một ngày trước đó.
Theo bộ trên, trong số những ca bệnh mới, có 654 trường hợp liên quan đến những khu nhà ở của các lao động nhập cư.
Tuy nhiên, Singapore cùng ngày không ghi nhận thêm ca tử vong do virus SARS-CoV-2. Như vậy, dịch bệnh COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của 10 người ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó đã có 3 nước ở khu vực Đông Nam Á có số người mắc bệnh COVID-19 vượt mốc 5.000 trường hợp. Tại Malaysia, Bộ Y tế ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại nước này lên thành 84 người. Bộ này cũng xác nhận thêm 110 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại Malaysia lên thành 5.182 ca.

Philippines cũng thông báo thêm 207 ca mắc và 13 ca tử vong do dịch bệnh. Theo đó, nước này ghi nhận tổng cộng 5.660 ca mắc, trong đó có 362 ca tử vong. Hiện Philippines ghi nhận số ca mắc nhiều nhất tại Đông Nam Á. Quốc gia này mới ghi nhận thêm 82 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện, nâng tổng số ca hồi phục lên thành 435 người.

Tính đến ngày 16/4, Indonesia cũng đã ghi nhận tổng cộng 5.516 ca mắc COVID-19, trong đó có 496 ca tử vong và 549 người được chữa khỏi.

Trước tình dịch đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng một loại vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các đại diện của 50 quốc gia châu Phi là thành viên LHQ, ông Guterres kêu gọi thế giới nhanh chóng phát triển một loại vaccine phòng COVID-19 mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, cũng như đem lại “lợi ích chung toàn cầu” và giúp thế giới kiểm soát đại dịch.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận hài hòa và phối hợp hiệu quả để đẩy nhanh tối đa tốc độ cũng như quy mô cần thiết cho việc triển khai một vaccine phòng COVID-19 vào cuối năm 2020.

Cuộc chạy đua trên toàn cầu nhằm tìm ra một loại vaccine hiệu quả để chống lại virus SARS-CoV-2 lại được tiếp sức thêm khi Quỹ từ thiện của vợ chồng tỷ phú Bill Gates (Bin Ghết) vừa công bố một loạt biện pháp mới, trong đó có khoản tài trợ bổ sung trị giá 150 triệu USD cho nỗ lực quốc tế ứng phó dịch COVID-19.

Trong thông báo đưa ra ngày 15/4, Quỹ Bill&Melinda Gates cho biết số tiền 150 triệu USD này sẽ tài trợ việc phát triển các phương thức chẩn đoán, liệu pháp điều trị và bào chế vaccine ngừa COVID-19, cũng như góp phần hỗ trợ các đối tác ở châu Phi và Nam Á trong nỗ lực phát hiện, cách ly và điều trị các trường hợp mắc bệnh.

Quỹ trên cũng kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới đoàn kết trong việc đưa ra những biện pháp ứng phó dịch COVID-19 mang tính toàn cầu nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng với việc chẩn đoán, điều trị và phân bối vaccine ngừa bệnh trong tương lai.

*G7 thống nhất phối hợp tái mở cửa các nền kinh tế sau đại dịch

Ngày 16/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo khác của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản.
Tại hội nghị, Nhà Trắng cho biết lãnh đạo nhóm G7 đã nhất trí phối hợp tái mở cửa các nền kinh tế của nhóm này sau đại dịch và đảm bảo "các chuỗi cung ứng đáng tin cậy" trong tương lai.
Nhà Trắng cũng cho hay, "các lãnh đạo G7 đã nhất trí duy trì cam kết triển khai mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo một phản ứng toàn cầu mạnh mẽ và có tính phối hợp đối với cuộc khủng hoảng y tế này cũng như thảm họa liên quan đến kinh tế và nhân đạo, nhằm mục tiêu phục hồi bền vững".
Ngoài ra, Nhà Trắng nhấn mạnh, tại hội nghị, các lãnh đạo đã thảo luận về Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lãnh đạo các nước G7 đã bày tỏ ủng hộ sự chỉ trích kịch liệt của Tổng thống Trump nhằm vào WHO, đồng thời yêu cầu "xem xét và cải tổ triệt để" cơ quan này của Liên hợp quốc./.

>>>CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục